Dư nợ cho vay học sinh, sinh viên giảm mạnh: Mừng và lo

03:46, 07/12/2020

Cho vay học sinh, sinh viên (HS,SV) từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng vạn gia đình trên địa bàn tỉnh nhờ đó có điều kiện cho con theo học sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT. Tuy nhiên, sau nhiều năm nguồn cho vay này tăng mạnh thì từ năm 2013 trở lại đây lại đang giảm đáng kể. 

Chương trình cho vay HS,SV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được thực hiện từ năm 2003 - khi bắt đầu thành lập NHCSXH. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, mức vay rất thấp nên dư nợ khi đó mới đạt trên dưới 1 tỷ đồng. Đến năm 2006 là 1,9 tỷ đồng. Nhưng từ năm 2007, khi mức cho vay được nâng lên thì dư nợ của Chương trình đã đạt 25 tỷ đồng. Những năm sau đó, trung bình mỗi năm tăng trên dưới 80 tỷ đồng. Đến năm 2012 thì đạt 387 tỷ đồng, với 23 nghìn hộ gia đình vay vốn cho hơn 25 nghìn học sinh, sinh viên (có hộ vay cho 2, thậm chí 3 con theo học).

Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh: Đây là năm Chương trình cho vay HS, SV có dư nợ cao nhất bởi từ sau năm này, dư nợ bắt đầu giảm. Năm 2013 giảm 3 tỷ đồng và những năm sau đó, trung bình mỗi năm giảm tới trên dưới 40 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 12-2020, dư nợ chỉ còn 83 tỷ đồng, với 2.960 hộ gia đình vay, cho hơn 3.000 sinh viên vay. Trong khi đó, từ năm 2020, mức cho vay đối với chương trình này được nâng lên là 2,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1 triệu đồng/người/tháng so với trước. Như vậy, so với năm 2012, hiện dư nợ chỉ bằng 21,4% và số sinh viên vay cũng chỉ bằng 12%.

Ông Dương Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Đại Từ phân tích: Thời điểm cao nhất ở Đại Từ cho vay nguồn vốn này đạt trên 70 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ còn trên 11 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn này giảm mạnh. Đầu tiên phải kể đến là từ ngày có Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam - Thái Nguyên và nhiều công ty khác đến tỉnh đầu tư đã giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở nông thôn nên nhiều hộ dân đã có thu nhập, bớt khó khăn, do đó không còn nhu cầu vay vốn, thậm chí còn có điều kiện để trả nợ trước hạn để được hưởng lãi suất ưu đãi. Thứ hai là từ năm 2013-2014 trở đi, lớp HS,SV vay đợt năm 2007-2008 bắt đầu ra trường, đi làm nên có điều kiện để trả nợ. Thứ ba là càng những năm cuối của giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo đa chiều mới, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn càng giảm nên số đối tượng được vay theo quy định cũng giảm theo. Ngoài ra, một nguyên nhân khác không thể không kể đến đó là tình trạng nhiều gia đình hiện nay thay vì định hướng cho con học lên hoặc tham gia các khóa đào tạo nghề thì lại cho con đi làm để có ngay thu nhập.

Có thể đánh giá, việc dư nợ cho vay chương trình HS, SV trên địa bàn tỉnh giảm mạnh trong những năm trở lại đây  là tín hiệu tích cực cho thấy đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một góc độ khác thì việc nhiều người sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT không mặn mà với việc học tiếp, nhất là tham gia học nghề một cách bài bản cũng sẽ để lại những hệ lụy khó lường.

Ông Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng: Việc các em chưa qua đào tạo nghề đã đi làm chỉ giải quyết được bài toán kinh tế trước mắt, chứ không mang tính bền vững, lâu dài. Bất cứ quốc gia hay địa phương nào, muốn phát triển đều phải có nguồn lao động chất lượng cao, mà để có được điều này không thể không qua đào tạo. Tôi cho rằng, nhiều người đang lẫn câu chuyện thay vì không đổ xô học đại học bằng giải pháp đi làm ngay. Điều này sẽ là nguy cơ đối với sự phát triển của tỉnh. Bởi khi không qua đào tạo, người lao động mãi sẽ là lao động phổ thông, giản đơn, khó tìm được sự ổn định lâu dài. Đến khi nhận thức được sự bất lợi, có khi đã bước vào tuổi 35-40, rất khó để tham gia vào quá trình đào tạo nghề.

Vì vậy, nếu chương trình cho vay HS,SV qua từng năm mà nguyên nhân xuất phát từ việc người dân không còn mặn mà với việc đào tạo tại các bậc học cao hơn thì cần có giải pháp khắc phục. Để có thể làm được điều đó, cần thực hiện việc điều tra, rà soát hiện trạng và nguyên nhân để xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trong giai đoạn tới phù hợp với chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.