Những năm gần đây, phát huy tiềm năng sẵn có và được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành nên lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) đã có sự phát triển khá nhanh. Số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh TTCN không ngừng tăng lên, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Hợp Tiến là 1 trong số 6 xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, có diện tích đất tự nhiên trên 5.400ha, trong đó, đất đồi rừng trên 3.700ha, 100% đều là rừng sản xuất. Với lợi thế đó, xã đã khuyến khích người dân tập trung phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp với chăn nuôi. Hiện nay, toàn bộ diện tích đất rừng trên địa bàn xã đã được người dân phủ kín một màu xanh của những tán keo, bụi tre phấn. Nhiều cơ sở chế biến gỗ bóc, gỗ băm; xưởng tăm tre cũng được mọc lên, giải quyết vấn đề tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định.
Xưởng chế biến tăm tre của gia đình anh Vũ Văn Khánh, ở xóm Đoàn Kết là một ví dụ cụ thể. Năm 2012, nhận thấy ở địa phương người dân trồng nhiều tre phấn để bán nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất tăm tre trong và tỉnh, anh Khánh đã tìm hiểu thị trường tiêu thụ và mạnh dạn đầu tư vốn để mở xưởng sản xuất (với quy mô trên 2.000m2). Hiện nay, bình quân mỗi tháng, xưởng của anh Khánh thu mua từ 500-600 tấn cây tre phấn của người dân về sản xuất; xuất bán ra thị trường 50-60 tấn thành phẩm... Doanh thu mỗi tháng của xưởng đạt 150 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi 30-40 triệu đồng/tháng. Hiện nay, xưởng sản xuất của anh đang giải quyết việc làm cho 13 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ sản xuất tăm tre, nhiều cơ cở chế biến lâm sản trên địa bàn xã Hợp Tiến cũng được hình thành, giải quyết phần lớn nguồn nguyên liệu gỗ keo cho người dân. Mở xưởng chế biến từ năm 2017, mỗi tháng, xưởng của gia đình anh Triệu Văn Hình, ở xóm Đồn Trình đã thu mua khoảng 1.000 ster (tương đương với 700m3 gỗ tròn) gỗ keo cho người dân ở xã, xuất bán thành phẩm khoảng 300m3 gỗ ra thị trường các tỉnh, với doanh thu đạt 600 triệu đồng, trừ các chi phí thu lãi 30 triệu đồng/tháng. Hiện nay, xưởng của anh đang giải quyết việc làm cho 10 lao động ở địa phương, mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, anh Hình cho biết: Chúng tôi được tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính từ lúc mở xưởng và trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, như: Phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường...
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn xã Hợp Tiến hiện có gần 30 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó, 2/3 là xưởng chế biến lâm sản, doanh thu mỗi cơ sở đạt từ 500 triệu đồng đến trên 2 tỷ đồng/tháng, giải quyết việc làm cho khoảng 400-500 lao động (thường xuyên và thời vụ; chiếm gần 20% số người có việc làm trong độ tuổi lao động lao động) ở địa phương với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2020 xã Hợp Tiến phấn đấu về đích nông thôn mới. Tính đến thời điểm này, qua rà soát, địa phương cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí. Điểm nhấn trong bức tranh nông thôn mới của xã đó là hệ thống điện - đường - trường - trạm đều được xây dựng khang trang, đặc biệt là đời sống của người dân đã cải thiện rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt khoảng 36,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,7%.
Có được kết quả này phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn. Thời gian tới, địa phương sẽ định hướng cho các cơ sở, cụ thể là các cơ sở sản xuất tăm tre hướng đến việc thành lập hợp tác xã để có điều kiện được hỗ trợ thêm về nguồn vốn vay. Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư về lâu dài sẽ xây dựng nhà máy chế biến sâu lâm sản nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu, tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.