Mỹ cần có những xem xét cho phù hợp

09:24, 18/12/2020

Trước sự việc Việt Nam bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tiêu chí dựa vào các tiêu chuẩn của nhà nước Mỹ, mà chưa có những xem xét cho phù hợp.

Đồng thời các chuyên gia cho rằng, với việc chúng ta bị xếp vào danh sách này sẽ có thể đối mặt với nhiều rủi ro về kinh tế. Do đó, việc kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ là vấn đề đang cần được lưu tâm. Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn Quản trị tài chính quốc tế, Học viện Tài chính về vấn đề này.

PV: Thưa ông, tại sao Mỹ lại đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ vừa mới được công bố?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng tôi tin rằng việc Chính phủ Mỹ đưa ra danh sách thao túng tiền tệ theo thời gian hàng năm cũng là công việc bình thường. Mỹ có đưa ra những tiêu chí cụ thể cho việc thao túng tiền tệ, trong đó họ xác định là những quốc gia nào mà có thặng dư thương mại với Mỹ từ 20 triệu USD trở lên, lúc đó được coi đó là quốc gia cần phải xem xét. Thứ hai là liên quan đến việc mua vào một cách thường xuyên trong vòng khoảng 6 tháng các đồng ngoại tệ có thể coi là điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách khiên cưỡng ý muốn chủ quan của ngân hàng quốc gia của nước đó. Thứ ba là thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP, lúc đó cũng đưa vào danh sách xem xét những quốc gia thao túng tiền tệ.

PV: Theo ông thì những cơ sở mà Chính phủ Mỹ đưa ra có đúng hay không? Và những rủi ro gặp phải khi Việt Nam bị đưa vào danh sách là nước thao túng tiền tệ là gì?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách này trước hết theo các tiêu chuẩn của nhà nước Mỹ, đưa vào danh sách như thế cần phải có những xem xét cho phù hợp.

Thứ nhất, Việt Nam không hề muốn phá giá đồng tiền, để từ đó đẩy mạnh cạnh tranh, gọi là so với xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới- đây là vấn đề chúng ta phải khẳng định. Ở đây chúng ta chỉ có mục tiêu là ổn định đồng tiền để không bị mất giá một cách quá đáng. Vì thế, việc mua vào ngoại tệ này, thực tế là chúng ta có 2 mục tiêu: Một là để giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tức là chúng ta không phá giá đồng tiền, để cạnh tranh trong thương mại bất bình đẳng như Mỹ định nghĩa như vậy thì rõ ràng không phải.

Thứ hai, nếu chúng ta nói đến chuyện mua ngoại tệ vào liên tục là để dự trữ ngoại tệ của Việt Nam do hiện nay còn  rất mỏng so với mức dự trữ mà IMF khuyến cáo. Đồng thời cũng mỏng so với mức dự trữ ngoại tệ của các quốc gia xung quanh của Việt Nam như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tỷ lệ dự trữ của họ lớn hơn chúng ta rất nhiều. Vì thế, việc Việt Nam tăng cường mua ngoại tệ để tăng cường dự trữ hối đoái đề phòng những biến động bất thường trên thị trường tài chính là cần thiết. Vì thế rõ ràng Chính phủ Mỹ cũng không xem xét cẩn trọng vấn đề này.

Khi phía Mỹ đưa chúng ta vào danh sách này sẽ có nhiều rủi ro, thứ nhất sẽ có sự phân biệt đối xử trong việc áp thuế, cũng như định giá của các hàng hóa của ta khi đưa vào thị trường của họ. Đặc biệt là khi tiếp cận thị trường tài chính, tiền tệ rất nhiều vấn đề nảy sinh, từ việc có thể đánh giá đồng Việt Nam đang rẻ hơn giá trị thực tế của nó, từ đó làm cho việc tiếp cận với thị trường tài chính tiền tệ thế giới trở nên khó khăn, chi phí đắt đỏ, trong thanh toán, cũng như liên quan đến lãi vay, nợ vay…điều này rất khó khăn với việc tiếp cận thị trường quốc tế. Trong khi đó, chúng ta đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cần dòng vốn quốc tế -đây là một điều rất nguy hiểm đối với nền kinh tế của chúng ta.

Việt Nam cần kiên trì, ổn định trong điều hành chính sách tiền tệ.

PV: Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần lên tiếng giải thích và làm việc với Chính phủ Mỹ về vấn đề này nhưng vẫn không hiệu quả? Vậy thưa ông đâu là giải pháp trong thời gian tới?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chúng ta vẫn kiên trì ổn định chính sách về điều hành và thêm nữa là cũng nên có giải thích rõ hơn đối với các bộ, ban, ngành; đặc biệt là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần làm việc, trao đổi một cách trực tiếp và đầy đủ hơn các vấn đề có liên quan tới Bộ Tài chính Mỹ. Để trên cơ sở đó, phía Mỹ thấy được điều kiện, những hoàn cảnh phía Việt Nam đang thực thi các chính sách của mình. Trong thực tế thì rõ ràng Chính phủ Việt Nam không có ý muốn phá giá đồng tiền để tạo ra cạnh tranh không bình đẳng, để từ đó làm cho cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam. Điều này cần phải được giải thích để cơ quan Hoa Kỳ người ta biết để có xem xét phù hợp với Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!