Phát triển kinh tế tư nhân: Chính quyền đồng hành - Doanh nghiệp nỗ lực

08:30, 04/12/2020

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân (KTTN), khẳng định vai trò, tầm quan trọng của khu vực kinh tế này. Thời gian qua, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã được triển khai thực hiện nghiêm túc trên địa bàn tỉnh và đạt nhiều kết quả khả quan.

Ngay trong năm 2017, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. Trong kế hoạch này, UBND tỉnh đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Khuyến khích, tạo điều kiện để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng, tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện để phát triển KTTN lành mạnh, đúng định hướng; phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng vững mạnh… Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm với hàng loạt giải pháp cụ thể, nêu rõ nhiệm vụ của các sở, ngành và địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), nhiệm vụ phát triển KTTN được đề cập tại một trong các khâu đột phá ở giai đoạn mới. 

Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Cùng với việc tham mưu cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ, xây dựng các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển KTTN, nòng cốt là các doanh nghiệp (DN) tư nhân, Sở Kế hoạch - Đầu tư luôn coi trọng công tác cải cách hành chính, bảo đảm thời gian giải quyết các thủ tục về đăng ký thành lập mới DN và liên quan đến dự án đầu tư theo quy định (rút ngắn thời gian trả hồ sơ thành lập mới DN từ 5-7 ngày xuống còn 3 ngày, có trường hợp giải quyết trong ngày). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực hướng dẫn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến (hiện đạt khoảng 50%, trong khi năm 2016 chỉ có 1,41%). Cũng nhằm thực hiện tốt chủ trương này, Sở thường xuyên tổ chức đối thoại, làm việc với các DN trên tinh thần cầu thị, tôn trọng, lắng nghe, kịp thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc của DN để có hướng giải quyết (ví dụ như tháng 9 vừa qua, Sở tổ chức 13 cuộc họp với hàng chục DN)…

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Hiếu, qua nắm bắt của Sở Kế hoạch - Đầu tư, các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh đều triển khai nghiêm túc chủ trương của Đảng trong Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kế hoạch của UBND tỉnh, cụ thể hóa bằng các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, thể hiện ngày càng rõ nét phương châm “chính quyền đồng hành với DN”. Đó cũng chính là yếu tố giúp tỉnh tiếp tục duy trì, khẳng định vị trí trong tốp đầu của các tỉnh ở khu vực trung du miền núi phía Bắc về số lượng, chất lượng, quy mô của DN tư nhân. Tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 7.300 DN (năm 2017 có 5.955 DN) với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 100.000 tỷ đồng (năm 2017 đạt 66.000 tỷ đồng), số DN thành lập mới liên tục tăng mạnh qua các năm, kể cả năm nay khi có dịch COVID-19.

Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT (đứng chân trên địa bàn xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình). Ảnh: N.H 

Là một doanh nhân kỳ cựu, hiện là lãnh đạo của một số hiệp hội, hội DN, thấy rõ sự thay đổi qua từng giai đoạn trong cách nhìn nhận của xã hội về DN tư nhân, về cơ chế, chính sách với khu vực kinh tế này, ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Hoàng Hải bày tỏ: Ngay sau khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 10, Chính phủ và các cấp, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển. Không chỉ riêng tôi mà các doanh nhân khác cũng rất phấn khởi, được cởi mở về tư tưởng, tự tin và vững vàng hơn trong công việc của mình.

Về minh chứng cụ thể, chúng ta có thể lấy sự thăng hạng liên tục về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên (năm 2019 đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2018) để đánh giá hiệu quả từ sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền đối với cộng đồng DN trong những năm gần đây. Chúng tôi cảm thấy hài lòng về điều đó…

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội DN T.X Phổ Yên, Giám đốc Công ty TNHH Cường Đại đánh giá: Nếu không có sự đồng hành, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của chính quyền thì cộng đồng DN không thể phát triển như hiện nay. Cụ thể, thời gian qua, lãnh đạo T.X Phổ Yên thường xuyên quan tâm, lắng nghe ý kiến, tâm tư của doanh nhân thông qua nhiều diễn đàn khác nhau. Các cuộc đối thoại của chính quyền với DN gần đây nhiều hơn và thiết thực hơn trước, những đề nghị, vướng mắc của chúng tôi được ghi nhận đầy đủ và được cam kết thời gian giải quyết. Những vấn đề mà cộng đồng DN luôn rất quan tâm như cải cách thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng càng được thị xã và ngành liên quan coi trọng. Tôi hy vọng, điều kiện cho sự phát triển của DN tư nhân sẽ ngày càng tốt hơn đúng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW…

Rõ ràng, KTTN - nòng cốt là các DN tư nhân - đã rộng đường phát triển để ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình. Chủ trương này đã được thông suốt từ Trung ương đến địa phương bằng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện và hàng loạt giải pháp cụ thể. Chính quyền đã và đang đồng hành ngày càng thiết thực hơn, nhưng sự nỗ lực, năng động của chính các DN mới là yếu tố quyết định trong vấn đề này.