Số vốn ít, hiệu quả cao

02:33, 17/12/2020

Nhiều năm liền, chất lượng tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong tốp các tỉnh dẫn đầu toàn quốc, với tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm khoảng 0,06% trên tổng dư nợ. Theo ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, để có được kết quả này là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của tập thể cán bộ, viên chức NHCSXH tỉnh.

Trong cuộc sống ngày nay, có thể với nhiều người, năm, bẩy chục triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đồng chưa chắc đã được coi là số tiền lớn, nhưng với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thì đó lại là cả là một gia tài đáng mơ ước vì nhờ nó mà cuộc đời họ có thể thay đổi.

Quả thật, khi tìm hiểu thực tế ở nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thoát nghèo từ nguồn vốn tưởng chừng rất nhỏ bé này. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Thủy, xã Nam Tiến, T.X Phổ Yên chỉ với khoản vay 30 triệu đồng, đã đầu tư nuôi 2 con bò, rồi lấy tiền bán được từ bê con được sinh ra để theo học nghề may. Sau đó, chị bán tiếp 1 trong 2 con bò ban đầu đã mua để mở cửa hàng may đo tại nhà. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị đã tự tạo lập được công việc ổn định cho bản thân, với mức thu nhập trên dưới 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị dần ổn định, khấm khá.

Hay như ở xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa có gia đình anh Ma Đình Thủy với quyết tâm không để các con bỏ dở ước mơ đi học mà vợ chồng anh đã không ngần ngại vay hàng trăm triệu đồng để cùng lúc nuôi 4 con ăn học cao đẳng. Khi chúng tôi hỏi về ý nghĩa của nguồn vốn với gia đình, anh bảo: Nếu không có tiền vay từ NHCSXH, vợ chồng tôi không biết làm sao để lo cho các con ăn học. Ngoài ra, anh Thuỷ còn được vay vốn theo chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.

Được vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình ông Vương Xuân Bằng, xóm Huống, xã Huống Thượng, T.P Thái Nguyên đã đầu tư mua máy cày và máy gặt để làm dịch vụ phục vụ bà con trong và ngoài xã.

Được biết, tính đến cuối tháng 11-2020, NHCSXH tỉnh hiện quản lý, cho vay 16 chương trình, với tổng nguồn vốn 3.598 tỷ đồng, tăng 264 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng lớn nhất, với 715 tỷ đồng; hộ cận nghèo 665 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 401 tỷ đồng; sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 707 tỷ đồng; nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 597 tỷ đồng; giải quyết việc làm 243 tỷ đồng; các chương trình khác từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Tổng số khách còn dư nợ tại Ngân hàng là gần 90 nghìn hộ.

Ông Lê Văn Hồng chia sẻ thêm: Để nâng cao chất lượng nguồn vốn cho vay, những năm qua, NHCSXH tỉnh luôn tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh trong việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm; chỉ đạo các đơn vị bám sát chỉ tiêu kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác, UBND cấp xã thực hiện giải ngân theo chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao. Cân đối kịp thời nguồn vốn đáp ứng nhu cầu giải ngân cho các đơn vị. Chỉ đạo các phòng giao dịch NHCSXH trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã; phối hợp với UBND và tổ chức Hội, Đoàn thể nhận ủy thác cấp xã, tổ tiết kiện và vay vốn thường xuyên rà soát, đánh giá, kiểm tra việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu nợ, thu lãi các hộ vay đúng hạn. Cùng với đó, Chi nhánh cũng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ đơn vị, các phòng giao dịch cũng như các đơn vị nhận ủy thác nhằm phát hiện những tồn tại, sai sót và cả những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp phối hợp xử lý kịp thời.

Ông Trần Đăng Quý, Trưởng xóm, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn xóm Đông Hồ, xã Thượng Đình (Phú Bình) chia sẻ: Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, chúng tôi luôn phải nắm bắt kịp thời đối với những hộ có nhu cầu vay. Nếu đảm bảo độ khả thi thì tổ mới bình xét cho vay. Sau khi nguồn vốn được giải ngân, trong vòng 30 ngày, tổ sẽ tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn tại hộ.

Nhờ sự sát sao trong công tác quản lý nên 100% các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và đại đa số đều phát huy hiệu quả. Nhờ đó, chất lượng tín dụng của Chi nhánh luôn đảm bảo và không ngừng được nâng cao. Điều này phần nào được minh chứng qua tỷ lệ thu nợ, thu lãi đúng hạn của Chi nhánh luôn đạt trên 99%; nợ xấu duy trì ở mức thấp, chỉ khoảng 0,06% trên tổng dư nợ. Qua đó đã góp phần giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 13,4% (năm 2016) xuống còn 2,87% (cuối năm 2020).

Ngoài ra, để tăng cường nguồn vốn cho vay, NHCSXH tỉnh còn làm tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh và các địa phương hàng năm chuyển kinh phí sang NHCSHX thực hiện việc cho vay đối với các hộ đối tượng. Tính đến nay, tổng ngân sách tỉnh và huyện ủy thác qua NHCSXH tỉnh đạt 113 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh quản lý.

Do quản lý tốt nguồn vốn cho vay nên ngày càng có nhiều người vay thoát khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo và nhu cầu đối với nguồn vốn này của các hộ cũng ngày càng tăng lên, trong khi đó, đối với nhiều ngân hàng thương mại thì việc tăng trưởng dư nợ cho vay lại không hề đơn giản, nhất là trong năm 2020. Tuy nhiên, ông Lê Văn Hồng cũng cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động cho vay của NHCSXH tỉnh hiện cũng gặp phải một số khó khăn do thiếu nguồn vốn một số chương trình không đủ đáp ứng nhu cầu người vay, nhất là đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm. Vì thế, NHCSXH tỉnh mong muốn, trong thời gian tới, UBND tỉnh và các huyện, thành, thị tiếp tục ủy thác một phần ngân sách hàng năm cho Chi nhánh cũng như động viên các doanh nghiệp tham gia vào việc ủy thác này theo tinh thần của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để có nhiều hơn các hộ đối tượng được tiếp cận nguồn vốn vay, giúp nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn.