Thanh niên khó tiếp cận vốn vay ưu đãi

08:22, 05/12/2020

Những năm qua, từ các nguồn vốn vay ưu đãi được ủy thác qua tổ chức Đoàn, không ít thanh niên đã có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả. Tuy nhiên để tiếp cận được nguồn vốn này, thanh niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến hết tháng 11-2020, dư nợ ủy thác qua Đoàn Thanh niên các cấp là gần 680 tỷ đồng (chiếm 19, 28% tổng dư nợ toàn tỉnh), với 16.097 hộ vay thông qua 553 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, thanh niên còn được tiếp cận vốn từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm (vốn Chương trình 120) kênh Trung ương Đoàn, với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm.

 Hầu hết các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả, giúp nhiều gia đình đoàn viên, thanh niên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, dù các cấp bộ Đoàn đã tích cực trong việc hỗ trợ vốn cho thanh niên, nhưng thực tế, nguồn vốn ưu đãi cho thanh niên vay đầu tư phát triển kinh tế vẫn còn hạn chế. Nhiều thanh niên bắt đầu khởi nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận các kênh vay vốn, hoặc nếu tiếp cận được thì số tiền được vay cũng hạn hẹp, đem lại hiệu quả chưa cao.

Đơn cử như trường hợp anh Dương Văn Ngọc, xóm Đồng Làn, xã Đồng Thịnh (Định Hóa). Khởi nghiệp với việc nuôi 150 đôi bồ câu sinh sản tại quê nhà, bình quân mỗi tháng anh xuất bán khoảng 70-80 con bồ câu thịt, cho thu lãi khoảng 6 triệu đồng. Năm 2018, anh có dự định phát triển đàn bồ câu lên 400 đôi và được Đoàn xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

 Tuy nhiên, mức vay trên chỉ hỗ trợ phần nào chi phí về giống, chuồng trại ban đầu. Anh cho biết: Để được vay nhiều hơn thì thủ tục yêu cầu phải có tài sản thế chấp, trong khi tôi vẫn đang ở cùng bố mẹ nên việc đứng tên nhà, đất để thế chấp là không thể. Vì vậy đến đến giờ tôi vẫn chỉ chăn nuôi ở quy mô nhỏ. Tương tự, anh Nguyễn Văn Hùng, xóm Mận, xã Phục Linh (Đại Từ) cũng có nguyện vọng vay 200 triệu đồng để đầu tư mở rộng trang trại trồng dưa công nghệ cao.

Đầu năm 2020, anh làm thủ tục để vay vốn từ Chương trình 120. Thế nhưng, sau nhiều lần lập hồ sơ, anh Hùng vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn. Anh chia sẻ: Để được vay nguồn vốn này, tôi phải xây dựng đề án, phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, với nhiều quy định “khắt khe”, như: Yêu cầu hóa đơn đỏ khi mua hàng hóa, hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho lao động… Trong khi đó, đối với những thanh niên lập nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp như tôi, thường chỉ thuê lao động theo thời vụ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, số thanh niên có nhu cầu vay vốn như những trường hợp nêu trên là rất nhiều. Trước khó khăn về vốn, hầu hết thanh niên đều thực hiện phương án “có tới đâu làm tới đó”. Điều này ảnh hưởng đến việc đầu tư các mô hình mới, mở rộng quy mô.

 Không những thế, nhiều thanh niên đành phải gác giấc mơ lập nghiệp ở quê để đi làm ăn xa. Hiện nay, thanh niên có thể tiếp cận vốn ưu đãi từ các tổ tiết kiệm vay vốn do đoàn thể ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và vốn Chương trình 120. Tuy nhiên, nguồn vốn nào cũng khó tiếp cận vì vướng nhiều thủ tục. Bởi các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu dành cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ thanh niên rất hạn chế. Với nguồn vốn từ Chương trình 120, khi vay thanh niên phải xây dựng đề án, phương án sản xuất, kinh doanh đối với từng dự án cụ thể.

Trong khi thực hiện một phương án kinh doanh khả thi trên “giấy trắng mực đen” là vấn đề không dễ. Riêng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, kinh doanh phải có tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án trên 100 triệu đồng, trong khi năng lực tài chính của đối tượng thanh niên mới lập nghiệp còn hạn chế, không có tài sản lớn để thế chấp… Cũng bởi những lý do trên, trong 3 năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án mới nào được giải ngân từ nguồn vốn Chương trình 120.

Để tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho thanh niên trong phong trào phát triển kinh tế, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa trong việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến sớm và nhiều hơn với thanh niên, nhất là ở khu vực nông thôn. Đồng thời có những hỗ trợ về kỹ thuật, pháp lý để thanh niên vận hành tốt các mô hình sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật, giúp cho việc khởi nghiệp dễ dàng hơn. Cùng với đó, bản thân thanh niên cần mạnh dạn, năng động, sáng tạo và nhiệt huyết hơn nữa trên bước đường lập thân, lập nghiệp.