Các làng nghề hối hả chuẩn bị phục vụ Tết

09:35, 18/01/2021

Chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời điểm này, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao nhất trong năm. Chính vì vậy, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thị trường, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đều đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng phục vụ Tết.

Đến thăm Làng nghề Miến Việt Cường, ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) những ngày này, chúng tôi nhận thấy không khí làm việc của người lao động ở đây rất khẩn trương, nhộn nhịp, để kịp có hàng phục vụ khách. Chị Ma Thị Xoan, thành viên HTX Miến Việt Cường cho biết: Lượng hàng hóa xuất bán thời điểm này khá lớn, do đó, chúng tôi phải tăng ca thường xuyên, có hôm làm việc tới nửa đêm. Tuy nhiên, chúng tôi rất vui vì thu nhập cũng tăng lên. Tháng vừa rồi, thu nhập của tôi được hơn 9 triệu đồng, cao hơn gần 3 triệu đồng/tháng so với những tháng trước. Anh Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường chia sẻ: Gần như năm nào cũng vậy, vào dịp Tết Nguyên đán là lượng hàng hóa tăng cao từ 70-80% so với ngày thường. Bình quân tháng vừa rồi, HTX bán ra thị trường khoảng 100 tấn miến các loại, như: Miến dong, miến tỏi đen, sắn dây, khoai lang… 

Rời Làng nghề miến Việt Cường, chúng tôi đến HTX Chè Thịnh An (thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ) và được chứng kiến không khí làm việc hối hả không kém. Chị Vũ Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Chè Thịnh An cho biết: HTX có 20 thành viên và 50ha chè nguyên liệu. Bình quân, mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 50 tấn chè búp khô các loại. Dịp cuối năm, bình quân mỗi ngày HTX đóng gói xuất bán được từ 4-5 tạ chè búp khô, với giá bán trung bình từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng/kg (tùy loại). Mặt hàng được khách ưa chuộng dịp Tết là một số sản phẩm chè cao cấp dành để làm quà tặng.

Với truyền thống 60 năm làm nghề, sản phẩm bánh chưng của Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) đã được nhiều người biết đến. Thời điểm này, các cửa hàng bán bánh chưng đều tất bật nhập nguyên liệu và gói bánh với số lượng lớn. Bà Nguyễn Bích Liên, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu cho biết: Hiện nay, làng nghề có 50 hộ dân, với 24 cửa hàng. So với năm trước, lượng bánh năm nay xuất bán ra thị trường thấp hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên, vào dịp Tết này, khách hàng ở các tỉnh vẫn đặt với số lượng lớn, tăng gấp 9-10 lần so với ngày thường. Hiện nay, các cửa hàng đang gói bánh xuất bán các đại lý, siêu thị lớn ở Hà Nội (như Big C, Cinemart…) và một số tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Thời điểm này, các hộ làm nghề tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) đều đã ngừng nhận đơn sản xuất hàng mới và tập trung hoàn thiện các sản phẩm khách đặt từ trước để kịp giao hàng trước Tết. Ảnh: A.N 

Đối với các hộ dân làm nghề tại Làng nghề chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ ngựa ở xã Dương Thành (Phú Bình) thì từ tháng 11-2020, họ đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và nguồn nguyên liệu để bảo đảm sản xuất đủ lượng sản phẩm theo nhu cầu trên thị trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Xuân Trường, chủ cơ sở sản xuất, chế biến cao ngựa bạch Trường Nguyên chia sẻ: Để phục vụ thị trường dịp Tết, bà con trong làng đã tuyển chọn ngựa và nhập với số lượng lớn hơn ngày thường. Các hộ dân cũng đã chuẩn bị nhân lực, đồ nghề, sẵn sàng phục vụ xẻ thịt, nấu cao ngựa tận nhà theo yêu cầu của khách hàng.

iêng với hộ gia đình tôi, hiện tại trong chuồng trại có sẵn 50 con ngựa các loại (ngựa bạch, ngựa đỏ, ngựa đen), bảo đảm cung cấp các sản phẩm từ thịt tươi, giò, cao ngựa… Trong dịp cận Tết, giá các sản phẩm thịt, giò ngựa sẽ có xu hướng tăng hơn ngày thường, từ 40-50 nghìn đồng/kg; còn các sản phẩm cao ngựa tuy giá vẫn giữ ổn định (từ 10 triệu đên 12 triệu đồng/kg cao ngựa bạch; 3 triệu đồng/kg cao ngựa thường), nhưng nhu cầu mua cao ngựa làm quà của khách hàng sẽ tăng hơn ngày thường, do vậy hiện cơ sở của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 20kg cao ngựa cùng vỏ hộp bao bì đẹp để phục vụ thị trường quà Tết.

Còn với các hộ sản xuất, kinh doanh tại Làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ, ở xã Xuân Phương (Phú Bình) thời điểm này đều đã ngừng nhận đơn sản xuất hàng mới và tập trung hoàn thiện các sản phẩm khách đặt từ trước để kịp giao hàng trước Tết. Anh Dương Đình Hiệp, Phó Chủ nhiệm Làng nghề cho biết: Những tháng đầu năm, do ảnh hưởng dịch COVID 19 nên lượng hàng hóa tiêu thụ của các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ đạt 40-50%. Tuy nhiên, xác định thời điểm gần Tết, nhu cầu mua sắm nội thất của các gia đình tăng cao hơn nên từ tháng 8, các cơ sở cũng đã chủ động nguồn vật liệu, sản xuất, lên đơn hàng, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường quảng bá, giới thiệu… Thời điểm cuối năm, ai cũng nỗ lực, dồn sức để việc sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Với cơ sở của tôi hiện phải làm thêm giờ ca tối từ 1-2 tiếng để cố gắng hoàn thiện 3 đơn hàng, kịp giao cho khách trong tuần sau.

Cùng với các làng nghề kể trên, tại hơn 200 làng nghề trên địa bàn tỉnh, không khí sản xuất hàng hóa cũng diễn ra khá nhộn nhịp. Người dân ở các làng nghề đang tranh thủ thời tiết thuận lợi để tăng cường sản xuất nhằm cung ứng đủ lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Với những người dân ở các làng nghề, thời điểm cận Tết tuy phải tăng giờ làm, “vất vả”, bận rộn hơn những ngày thường nhưng giúp họ nâng cao thu nhập, đón Tết đầm ấm, tạo niềm vui, động lực để họ tiếp tục duy trì, phát triển nghề...