Theo kết quả từ 3.000 phiếu thăm dò dư luận xã hội với nội dung “Đánh giá về sự hài lòng của người tiêu dùng đối với sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt trên địa bàn tỉnh” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai năm 2020 cho thấy: Trên 77% số người được hỏi đều hài lòng về chất lượng hàng Việt và dịch vụ của doanh nghiệp Việt. Đó là tín hiệu đáng mừng, nhưng bên cạnh đó không phải không còn các trường hợp làm hàng giả, hàng nhái và cung cấp hàng kém chất lượng…, khiến người tiêu dùng mất dần lòng tin.
Cũng với kết quả thăm dò trên, có 60,4% số người được hỏi cho rằng có thói quen dùng hàng sản xuất trong nước rõ nguồn gốc; 96,2% số ý kiến rất quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Điều này khẳng định, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa, thói quen sử dụng hàng xuất xứ trong nước đã dần được cải thiện. Thực tế, thời gian qua nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh đã đưa ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý được cộng đồng đón nhận, ưa chuộng.
Trong tỉnh có các sản phẩm tiêu biểu của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty CP thương mại Thái Hưng, Doanh nghiệp tư nhân Trung Thành; HTX Miến Việt Cường, HTX Chè La Bằng… Chính trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua, chất lượng sản phẩm của các thương hiệu này đã giúp doanh nghiệp đứng vững bởi người tiêu dùng không quay lưng. Thống kê cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp trên đều không bị tăng trưởng âm, có đơn vị còn tăng lợi nhuận tới 188% so với năm trước.
Mặc dù vậy, thực tế cũng chứng minh, nhiều sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước chưa đa dạng về mẫu mã và chủng loại, chất lượng còn thấp. Một số mặt hàng chưa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực, giữa sản xuất và phân phối còn thiếu chặt chẽ, thống nhất, nên nhiều khi sản phẩm trong nước bị thua ngay trên sân nhà. Mặt khác, tình trạng gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp, khiến cho niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt bị ảnh hưởng nhất định. Riêng trong năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp xử lý 128 vụ vi phạm về hàng giả; 265 vụ vi phạm nhãn mác hàng hóa và 72 vụ vi phạm chất lượng hàng hóa.
Hiện nay, tâm lý sính đồ ngoại của đại đa số người tiêu dùng trong nước đã giảm, đa phần nhân dân có ý thức lựa chọn hàng Việt Nam, nhất là hàng chất lượng cao để sử dụng. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rõ vấn đề: Nếu các đơn vị, doanh nghiệp không tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chính quyền, đoàn thể không tăng cường tuyên truyền, vận động và các cơ quan chức năng không có các biện pháp xử lý nghiêm khắc, kịp thời các trường hợp vi phạm về hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại thì chắc chắn không tránh khỏi tình trạng người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt.