Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

08:31, 14/01/2021

Bằng việc triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp, công tác giảm nghèo ở huyện Phú Lương trong những năm qua đã thu được những kết quả quan trọng, tạo được sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.

Gia đình chị Lã Thị Liên là một trong những hộ nghèo của xóm Khau Đu, xã Yên Trạch. Năm 2015, được sự tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể của xóm, xã, chị Liên đã mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) 25 triệu đồng để xây nhà và 50 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn vay ưu đãi và số vốn tiết kiệm của gia đình, chị đã mua 2 con bò giống và trồng 0,6ha rừng keo. Sau 3 năm chăm sóc, chị đã bán được 2 bê con cho thương lái với giá 14 triệu đồng/con. Từ số tiền này, chị đầu tư nuôi 100 con gà để phát triển chăn nuôi. Đến năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo.

Gia đình chị Liên chỉ là một trong rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện. Được biết, hỗ trợ vốn giúp hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh từ lâu được xem là giải pháp then chốt trong công tác giảm nghèo của địa phương. Thông qua đó góp phần giúp các hộ dân làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến nay, NHCSXH huyện đã phối hợp triển khai cung cấp vốn tín dụng ưu đãi cho hơn 4,4 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng doanh số cho vay là 204,8 tỷ đồng.

Song song với đó, huyện còn quan tâm thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp người nghèo có được tay nghề cần thiết để tạo việc làm tại chỗ hoặc ứng tuyển trong các công ty, xí nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho trên 4 nghìn lao động, trong đó có 380 lao động nghèo với các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi thú y, may gia dụng, điện gia dụng…; hỗ trợ cho 80 lao động là hộ nghèo đi xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, hàng năm, chỉ tiêu tạo việc làm mới của huyện luôn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Riêng năm 2020, huyện đã tạo việc làm mới cho 2.368 người, đạt 118% kế hoạch.

Điểm nổi bật trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương chính là việc thực hiện hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Hàng năm, huyện luôn tập trung triển khai dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Căn cứ vào đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và kế hoạch của từng xã, huyện sẽ lựa chọn phân bổ vốn để hỗ trợ các loại cây trồng, vật nuôi, máy móc phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 3,1 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng. Còn đối với dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, huyện đã hỗ trợ cho 99 lượt hộ nghèo với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng chủ động thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ về y tế, giáo dục, tiền điện, nhà ở, trợ giúp pháp lý, các chính sách an sinh xã hội…

Với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 2,56% (giảm 10,98% so với năm 2016).

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, ông Trịnh Kim Thủy, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Thời gian tới, phòng sẽ tham mưu với UBND huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhận thức của nhân dân về giảm nghèo bền vững; tập trung huy động các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; khuyến khích và nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả để thu hút và giải quyết lao động tại chỗ; làm tốt công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo…