Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm

09:14, 20/01/2021

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, đây cũng là dịp các đối tượng lợi dụng để buôn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang được các ngành chức năng, các địa phương quan tâm, kiểm soát chặt chẽ.

Cùng đoàn liên ngành của tỉnh đi kiểm tra thực tế tại Cửa hàng hải sản Tuyến Hương, ở đường Bến Oánh (T.P Thái Nguyên), chúng tôi thấy các mặt hàng tại đây được bày bán khá đa dạng, bao gồm hàng tươi sống và hàng đông lạnh. Ngoài các sản phẩm có nguồn gốc trong nước như cá, cua, ghẹ, tôm, mực… cửa hàng còn có các loại thực phẩm nhập khẩu như: ba chỉ bò Mỹ, thịt lợn Nga, cá ngừ Trung Quốc; chân giò Đức, đùi gà Mỹ, bắp bò Úc… Kết quả kiểm tra cho thấy, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, được bảo quản đúng quy định. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc sơ chế các sản phẩm được thực hiện ngay dưới sàn nhà và chỗ đi lại, chưa đảm bảo ATVSTP.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, khảo sát một số chợ trên địa bàn, chúng tôi thấy tình trạng thực phẩm tươi sống bày bán la liệt mà không có tủ bảo quản; thực phẩm chín bày bán cùng với thực phẩm tươi sống. Đa phần các mặt hàng thực phẩm, nông sản không có bao bì, tem nhãn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa đáp ứng yêu cầu ATVSTP. Vẫn còn tình trạng sử dụng phụ gia thực phẩm không đảm bảo theo quy định, nguyên liệu dùng chế biến chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã tiến hành thẩm định, xếp loại trên 100 cơ sở; trong đó, 22 cơ sở xếp loại A, 78 cơ sở xếp loại B, chỉ có 1 cơ sở xếp loại C, đã khắc phục và chuyển lên loại B. Ngoài ra, Chi cục cũng đã lấy 214 mẫu giám sát ATTP các sản phẩm chủ lực tại các vùng sản xuất tập trung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối… Trong đó, có 4 mẫu giò chứa hàn the, không đảm bảo ATTP. Chi cục đã điều tra nguyên nhân, yêu cầu các cơ sở vi phạm khắc phục và làm cam kết không sử dụng các loại phụ gia, chất cấm để chế biến giò chả. 

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp - PTNT cũng đã có kế hoạch nhằm đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định, kiến thức ATVSTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho Sở thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra hoạt động của Ban Chỉ đạo ATVSTP liên ngành cấp huyện, thành, thị và kiểm tra trực tiếp các một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm... Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Đợt kiểm tra kéo dài từ ngày 1-1 đến hết ngày 20-3.

Không chỉ riêng ngành Nông nghiệp, các ngành khác như: Y tế, Công Thương… cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và chia thành nhiều tổ tiến hành kiểm tra tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATVSTP theo quy định khi cần thiết. Các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai biện pháp đảm bảo VSATTP và thành lập các đoàn kiểm tra để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ nhiều trong dịp Tết nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để bảo vệ sức khoẻ của cộng đồng, ngoài sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm cũng cần tuân thủ nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, nói không với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm tại các địa chỉ uy tín và xem kỹ mẫu mã sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ in trên bao bì.