T.X Phổ Yên hiện có 34 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, hoạt động trong các lĩnh vực: chè, mộc mỹ nghệ, mây tre đan. Những năm qua, thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện để các làng nghề duy trì và phát triển, qua đó tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, T.X Phổ Yên đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung phát triển các làng nghề gắn với việc xây dựng thương hiệu, bảo vệ môi trường; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; hỗ trợ các làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tích cực xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, thị xã cũng khuyến khích các làng nghề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất an toàn và hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của các làng nghề. Giai đoạn 2016-2020, thị xã đã hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cho các làng nghề ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xây dựng, phát triển thương hiệu. Với những giải pháp cụ thể, trong những năm qua, các làng nghề trên địa bàn thị xã đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển ổn định. Nếu năm 2016, các làng nghề mới tạo việc làm cho gần 4.200 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng thì hiện nay, số lao động làm việc tại các làng nghề là gần 7.300, với thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Là một trong những làng nghề điển hình trên địa bàn, Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong được duy trì và phát triển với hơn 200 xưởng sản xuất. Sự có mặt của Làng nghề không chỉ lưu giữ những nét hoa văn của các nghệ nhân trên gỗ mà còn góp phần làm “thay da, đổi thịt” vùng quê nghèo. Hiện, làng nghề tạo việc làm cho khoảng 500 lao động, thu nhập trung bình đạt 8-10 triệu đồng/người/tháng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 1,6%; thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc mở rộng quy mô sản xuất, các xưởng cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Từ sản xuất các loại đồ gỗ dân dụng, giá bình dân, đến nay, làng nghề đã cho ra đời các sản phẩm cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Anh Lê Văn Dũng, ở xóm Giã Trung 1 cho biết: Năm 2019, được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thị xã 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư mua nguyên liệu và mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện, xưởng sản xuất của gia đình có diện tích hơn 1.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập trên 10 triệu đồng/người/tháng. Cùng với đó, cơ sở của gia đình cũng đang đào tạo nghề miễn phí cho 26 lao động tại địa phương.
Với 11 làng nghề chè phát triển và hoạt động hiệu quả, xã Phúc Thuận là địa phương có số lượng làng nghề lớn trên địa bàn thị xã. Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho biết: Từ lâu người dân địa phương đã đưa cây chè và cây ăn quả vào trồng, song quy mô còn nhỏ lẻ nên gặp khó về đầu ra, hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Từ thực tế đó, những năm gần đây, xã đã vận động người dân tích cực liên kết trong sản xuất, thành lập các làng nghề để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Việc được công nhận làng nghề đã giúp bà con gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, có ý thức giữ gìn và xây dựng thương hiệu, từ đó từng bước nâng cao thu nhập. Bà Triệu Thị Hòa, ở xóm Hang Dơi cho biết: Tham gia vào làng nghề, chúng tôi không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất chè mà còn được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến, ý thức được việc sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Mặc dù được duy trì và phát triển ổn định, song hiện nay, các làng nghề trên địa bàn T.X Phổ Yên vẫn còn không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao và không đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, lao động tại các làng nghề chưa qua đào tạo, thiếu lao động tay nghề cao; nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một do sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp. Để khắc phục những khó khăn trên, thời gian tới, cùng với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, địa phương sẽ chú trọng rà soát, đánh giá và xác định đối tượng, nhu cầu học nghề của các lao động tại các làng nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Khuyến khích các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Cùng với đó, các làng nghề cũng cần chủ động đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm và cải thiện môi trường lao động để thu hút lao động tay nghề cao làm việc…