Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá thép xây dựng đã tăng hơn 2 triệu đồng/tấn. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Sự tăng giá đột biến mặt hàng này đã khiến người dân và các doanh nghiệp (DN) xây dựng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Theo khảo sát của chúng tôi vào sáng 8-1, giá bán lẻ thép xây dựng (thép cuộn và thép cây) tại một số DN, đại lý kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh dao động từ 15,4-15,6 triệu đồng/tấn. Đại diện các DN, đại lý cho biết, đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm qua. So với thời điểm giá thép lên cao nhất vào cuối năm 2017 thì mức giá hiện nay vẫn cao hơn khoảng 1,2 triệu đồng/tấn. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Kim khí Luyến Dung, tổ 6, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chưa bao giờ giá thép xây dựng lại biến động mạnh chỉ trong một thời gian ngắn như vừa qua. Từ đầu tháng 12-2020 đến nay, các nhà máy sản xuất thép liên tục thông báo tăng giá, cứ 3-5 ngày tăng một lần. Mặc dù hơn 1 năm qua, giá thép đều ổn định từ 12-13,5 triệu đồng/tấn nhưng chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá thép đã tăng thêm 15%, lên mức 15,6 triệu đồng/tấn.
Việc giá thép tăng “chóng mặt” trong một thời gian ngắn đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và các DN xây dựng trên địa bàn tỉnh. Gia đình ông Đào Văn An, tổ 15, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) vừa mới khởi công xây dựng ngôi nhà 3 tầng vào cuối tháng 12-2020. Chia sẻ với chúng tôi, ông An cho biết: Mấy ngày nay, tôi rất đau đầu vì giá thép liên tục tăng, kéo theo chi phí xây dựng sẽ tăng khoảng 10-12% so với dự kiến. Có lẽ, tôi sẽ phải tạm dừng thi công ngôi nhà một thời gian để chờ giá thép ổn định trở lại. Còn ông Cao Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Vui, tổ 5, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) thì cho biết: Cuối tháng 11-2020, chúng tôi đã ký một hợp đồng xây dựng với tổng khối lượng thép dự kiến sử dụng khoảng 120 tấn. Khi vừa bắt tay vào thi công thì giá thép liên tục tăng cao khiến chi phí xây dựng đội thêm gần 240 triệu đồng. Hợp đồng đã ký kết nên dù xác định thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục thi công. Trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh, hầu hết các DN đều cho rằng, giá thép tăng đột biến trong một thời gian ngắn đã khiến cho họ “trở tay” không kịp. Thời điểm này, nhiều nhà thầu đã phải tạm dừng thi công để thương lượng với chủ đầu tư nhằm điều chỉnh giá nguyên vật liệu. Chính vì vậy, thời gian tới sẽ có không ít DN xây dựng phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn.
Lý giải về nguyên nhân giá thép tăng đột biến trong thời gian qua, các chuyên gia trong ngành Xây dựng cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do giá phôi thép nhập khẩu và thép phế tăng cao (tăng khoảng 10% so với trước đây). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, xây dựng sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 gần đây đã có dấu hiệu sôi động trở lại cũng tác động không nhỏ đến giá thép. Theo nhận định của các DN, đại lý kinh doanh sắt thép, thời gian tới, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán khi bước vào cao điểm của mùa xây dựng, giá thép có thể sẽ tiếp tục tăng.
Theo thống kê, trung bình mỗi tháng, thị trường Thái Nguyên tiêu thụ khoảng 7.500 tấn thép xây dựng các loại, trong đó, trên 80% là thép Tisco của Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên; còn lại là các thương hiệu thép khác, như: Việt - Sing; Hòa Phát; VNS… Trong bối cảnh giá thép xây dựng tăng đột biến như hiện nay, đại diện Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên cho biết: Để tránh xảy ra tình trạng các DN, đại lý “ôm hàng”, “thổi giá”, Công ty đã chỉ đạo các hệ thống phân phối cấp I, cấp II thực hiện cam kết không “găm” hàng và đảm bảo cung cấp đủ hàng cho người tiêu dùng của hệ thống. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch điều tiết thị trường bằng việc đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thép khi bước vào cao điểm mùa xây dựng. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những cơn “sốt” hàng ảo và hành vi trục lợi đẩy giá thép lên cao của các DN, đại lý trong thời gian tới.