Cảng Đa Phúc nằm trên địa bàn xã Thuận Thành (T.X Phổ Yên), là cảng đường thủy duy nhất trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi năm, cảng bốc, xếp hơn 2 triệu tấn hàng hóa các loại, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Những ngày đầu năm 2021, không khí làm việc tại Cảng rất nhộn nhịp, khẩn trương, đảm bảo các chuyến tàu chở hàng được thông suốt.
Có mặt tại khu vực cảng Đa Phúc, chúng tôi thấy hàng chục tàu, thuyền và các phương tiện vận tải neo đậu thực hiện đón, trả hàng hóa. Tại bến thủy nội địa thuộc Công ty TNHH Vận tải Tranco, xe tải vận chuyển than, quặng ra, vào tấp nập. Theo bà Lê Thị Hóa, cán bộ phụ trách bến, năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nên lượng hàng hóa bốc, dỡ của Công ty cũng vì thế giảm khoảng 30% so với năm trước. Tuy nhiên, từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, hoạt động lưu thông hàng hóa bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Mặc dù là bến nhỏ nhất so với các bến bãi khác, song thời điểm này, bình quân mỗi tháng Công ty bốc, xếp gần 40 tấn quặng, than, đỉnh điểm có thể lên tới khoảng 50 tấn.
Anh Phạm Công Huấn, một lái xe vận tải làm việc tại đây cho biết: Đây là thời điểm hàng hóa nhiều nên công việc của chúng tôi cũng vì thế mà bận rộn hơn. Tuy vất vả, song chúng tôi rất vui vì có việc làm tăng thêm thu nhập, bù lại những ngày trước phải nghỉ dài do dịch bệnh. Do chủ yếu là bốc, dỡ than nên vấn đề môi trường được Công ty đặc biệt quan tâm. Theo đó, đơn vị đã bố trí xe bồn chuyên dụng để tưới ẩm đường vào, các xe ô tô chở than cũng được che, phủ bạt cẩn thận trước khi rời bến.
Tương tự, tại bến thủy nội địa Đa Phúc thuộc Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, thời điểm này, các phương tiện vận tải, máy xúc hoạt động rất nhộn nhịp. Để mở rộng kinh doanh dịch vụ cảng, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa ngày càng cao, đơn vị cũng đã mở rộng diện tích mặt bằng khoảng 500m2; đầu tư 3 máy múc cỡ lớn, bố trí hàng chục xe tải chở cát mỗi ngày… Anh Nguyễn Đức Phong, cán bộ phụ trách bến cho hay: Vào thời điểm này, lượng hàng hóa ra, vào cảng nhiều hơn, một phần là do vận tải đường bộ quá tải, phần vì sau khi dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát thì thị trường bắt đầu hoạt động trở lại, các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành các phần việc trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Tại đơn vị, người đứng đầu cũng thường xuyên có mặt để trực tiếp chỉ đạo, sát sao với công việc, tránh tình trạng hàng hóa của khách bị chậm, ùn ứ...
Cảng Đa Phúc hiện có 12 bến bãi được cấp phép hoạt động, nằm trên 35km sông Cầu và 19km sông Công. Mặc dù nằm sâu trong nội địa nhưng cảng có khả năng đón trọng tải tàu 12 nghìn tấn. Hằng ngày, tại khu vực này có hàng chục tàu lớn, nhỏ ra, vào bốc, xếp hàng hóa, như: than, quặng, cát, nông sản… Ông Nguyễn Ngọc Nam, Trạm trưởng Trạm Quản lý đường thủy Đa Phúc cho biết: Những tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng, mỗi điểm bốc, xếp hàng hóa tại đây khai thác khoảng 40 tấn hàng hóa các loại. Đối với những bến có địa thế thuận lợi như Công ty TNHH Thắng Lá hay Doanh nghiệp Dung Quang, lượng hàng hóa bốc, xếp có thể lên tới 60 tấn. Phần lớn, các bến bãi ở đây đều ký hợp đồng luân chuyển hàng hóa với một số khách hàng lớn, uy tín như: Công ty Kinh doanh Than Bắc Thái, Nhà máy Xi măng Quang Sơn, Xi măng Quan Triều và nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác…
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã thu hút rất nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp vào sản xuất, kinh doanh, với số vốn đăng ký rất lớn. Do vậy, cảng Đa Phúc cũng trở nên sôi động hơn rất nhiều so với trước, bởi nhu cầu vận tải, bốc xếp hàng hóa tăng cao. Với 2 tuyến vận tải quan trọng, một nối với Hải Phòng dài hơn 160km và một nối với Hòn Gai (Quảng Ninh) dài hơn 200km, từ lâu, cảng Đa Phúc được xem là điểm trung chuyển, lưu thông hàng hóa quan trọng của tỉnh. Năm 2020, Trạm Quản lý đường thủy Đa Phúc đã làm thủ tục cho hơn 2.250 lượt phương tiện; các điểm bốc, xếp thưc hiện luân chuyển hơn 2,3 triệu tấn hàng hóa các loại (tương đương so với năm trước); phí, lệ phí thu được gần 860 triệu đồng. Hằng năm, cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách trên địa bàn, các điểm bốc, xếp hàng hóa hoạt động trong cảng đã góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Để hoạt động tại Cảng đi vào nền nếp, thời gian qua, Trạm Quản lý đường thủy Đa Phúc cũng đã làm tốt quy trình kiểm tra, làm thủ tục cho phương tiện vào, rời cảng, bến an toàn theo quy định; thông báo kịp thời tình hình luồng lạch, khí hậu thủy văn cho các chủ phương tiện. Tuy nhiên, hiện đang là mùa khô, lòng sông hẹp nên việc lưu thông của các phương tiện vận chuyển tại đây gặp không ít khó khăn. Cùng với đó, một số bến bãi chưa được cấp phép nhưng vẫn tập kết cát, sỏi trong hành lang bảo vệ cầu Đa Phúc. Điều này không chỉ làm mất an toàn công trình giao thông mà còn gây ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt, phù hợp, nhằm thúc đẩy kinh tế cảng đường thủy nội địa phát triển.