Nỗ lực sản xuất, kinh doanh từ đầu năm

09:10, 20/01/2021

Năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh không đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) như mong đợi. Tuy vậy, bước sang năm 2021, nhiều DN vẫn đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 10-15% so với năm trước, đồng thời hoạch định những hướng đi mới để ổn định và phát triển SXKD, bảo đảm việc làm cho người lao động.

 
Tìm hiểu tại một số DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy trong năm vừa qua, các đơn vị này đều gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng bước sang năm 2021, các đơn vị đều đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 10-15% so với năm trước.
 
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Công ty CP Đúc Thái Nguyên (ở Cụm công nghiệp Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) cho biết: Là đơn vị chuyên xuất khẩu các sản phẩm đúc sang Hàn Quốc, năm vừa qua, doanh thu của DN chỉ đạt 40 tỷ đồng, bằng 50% so với kế hoạch năm. Bước sang năm 2021, Công ty phấn đấu doanh thu đạt 60 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho trên 50 lao động với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Để có thể hoàn thành mục tiêu này, từ đầu năm, Công ty đã chính thức đưa vào vận hành dây chuyền đúc cát tươi với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, từ đó nâng công suất lên 10.000 tấn sản phẩm đúc/năm (tăng gấp 5 lần so với trước), đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu trong năm nay...
 
Đối với Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường, ông Đoàn Văn Tùng, Giám đốc Công ty chia sẻ: Xác định được áp lực cạnh tranh gay gắt của thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong năm 2021, Công ty mở rộng hoạt động sang kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp. Theo đó, Công ty đang tích cực triển khai thực hiện Dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình) giai đoạn 1 với 27ha (tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng) nằm trên đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ngoài duy trì ổn định 3 nhà máy sản xuất các sản phẩm: bê tông thương phẩm, ống cống, cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch tuynel, gạch không nung, gạch block, terrazo, gạch lát vỉa hè và trang trí sân vườn. Công ty cũng mới khởi công xây dựng thêm nhà máy sản xuất ống cống bê tông và gạch ngói tại xã Phú Xuyên (Đại Từ) với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong quý I/2021, giải quyết việc làm cho 80 lao động…  
 
Còn tại Công ty TNHH Thương mại Phúc Sơn (ở phường Phú Xá, T.P Thái Nguyên) - đại lý phân phối các loại thực phẩm, đồ uống, nhu yếu phẩm, những ngày này hoạt động kinh doanh càng trở nên tấp nập bởi nhu cầu trên thị trường tăng cao trong dịp giáp Tết. Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Công ty chia sẻ: Năm vừa qua, kết quả SXKD của Công ty chỉ đạt khoảng 80% so với kế hoạch. Cụ thể, doanh thu của Công ty ước đạt 400 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 3 tỷ đồng. Tuy vậy, năm 2021, Công ty vẫn đặt mục tiêu tăng doanh thu 10% so với năm trước, nộp ngân sách Nhà nước trên 4 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho trên 40 lao động với mức thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng (tăng 1 triệu đồng so với năm 2020). Để hoàn thành mục tiêu này, Công ty tập trung giữ vững thị phần của mình tại hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn với trên 4.000 khách hàng, bao gồm các đại lý cấp hai và siêu thị, cửa hàng tạp hóa, bán lẻ... 
 
Còn bà Trương Thị Thơm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thảo Anh Plywood - Chi nhánh Thái Nguyên (nằm trong Cụm công nghiệp cảng số 3 Đa Phúc, T.X Phổ Yên) - đơn vị chuyên sản xuất gỗ dán công nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ thông tin: Sau hơn 3 năm đầu tư xây dựng đến cuối năm 2020, Công ty đã chính thức đi vào hoạt động. Ngay từ đầu, chúng tôi đã tích cực đào tạo tay nghề cho người lao động, tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu. Nhờ đó, hiện nay, Công ty đã sản xuất và xuất khẩu được 30m3 gỗ dán/ngày, đạt 50% công suất thiết kế. 
 
Theo kế hoạch, năm 2021, Thái Nguyên phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt trên 840 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm trước. Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng DN, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực triển khai các giải pháp như: Phối hợp với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các DN ổn định và phát triển SXKD thông qua việc đồng hành tháo gỡ khó khăn, triển khai các đề án, chương trình khuyến công, tham mưu với UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngành Công Thương tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương ưu tiên nguồn vốn cho các dự án công thương lớn trên địa bàn tỉnh; bố trí nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh...