Sôi nổi khí thế sản xuất đầu năm mới

10:26, 04/01/2021

Sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch vui vẻ, đầm ấm, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) cũng như các Hợp tác xã (HTX) và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt tay ngay vào lao động, sản xuất với hy vọng trong năm mới sẽ gặt hái được nhiều thắng lợi mới. Từ đó tạo nên không khí thi đua sôi nổi, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2021.

Với quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra ngay từ tháng đầu, quý đầu, trong những ngày đầu năm mới, các DN trên địa bàn tỉnh đã tập trung sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi. Tại nhiều DN, kết quả sản xuất vượt mong đợi trong năm vừa qua còn góp phần tạo tinh thần quyết tâm cao để tập thể lãnh đạo và người lao động thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch trong năm mới.

Ông Văn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều (đứng chân trên địa bàn huyện Đại Từ) chia sẻ: Mặc dù phải đối mặt với khó khăn chung do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường có sự cạnh tranh gay gắt, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Ban Giám đốc và người lao động, Công ty đã hoàn thành vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2020. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu sản xuất 780 nghìn tấn xi măng trong năm 2021 (tăng 20 nghìn tấn so với năm 2020). Và ngay từ những ngày đầu năm mới, Công ty đã nâng công suất nhà máy lên mức tối đa, phân công nhiệm vụ tới từng tổ, đội sản xuất; đồng thời tích cực chăm sóc khách hàng, tiếp thị sản phẩm để mở rộng thị phần tiêu thụ.

Còn ông La Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty Xi măng  La Hiên (Võ Nhai) cho biết: Khác với ngành nghề khác, đối với lĩnh vực xi măng khi bước đầu năm mới thì nhu cầu xây dựng của người dân tăng cao nên chúng tôi cần theo sát thị trường và tích cực sản xuất. Từ cuối năm 2020, Công ty đã hoàn thành việc bảo trì, sửa chữa các dây chuyền sản xuất, chuẩn bị đủ nguồn nguyên liệu, đồng thời cho người lao động nghỉ Tết Dương lịch luân phiên để bảo đảm dây chuyền được chạy liên tục.

  Dây chuyền may hàng xuất khẩu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT (đứng chân trên địa bàn huyện Phú Bình).

Còn tại Công ty TNHH KH Heat Technology Thái Nguyên ở Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), năm 2021, Công ty đặt mục tiêu phấn đấu nâng doanh thu trên 23 tỷ đồng (tăng trên 5 tỷ đồng so với năm 2020), tạo việc làm ổn định cho trên 30 người lao động với thu nhập từ 9 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng (tăng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/người/tháng so với năm 2020). Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ cuối năm 2020, DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất các sản phẩm cơ khí mới như trục máy cẩu, máy xúc, bánh nhông của xe máy điện. Kết quả, Công ty ký nhiều đơn hàng, dự kiến doanh thu quý I năm nay sẽ đạt 4 tỷ đồng (tương đương với năm 2020). Hiện tại, Công ty đang tiếp tục nhận được các đơn hàng có quy mô lớn đối với lĩnh vực mới đầu tư…  

Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực may, phụ tùng, vận tải, cơ khí... chúng tôi thấy không khí sản xuất có phần trầm lắng hơn. Ông Nguyễn Viết Hạnh, Giám đốc Công ty CP May Thành Hưng chia sẻ: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 ở nhiều nước trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu chưa phục hồi. Vì thế, để bảo đảm việc làm cho hơn 500 người lao động thì ngay từ đầu năm, chúng tôi phải tìm kiếm các đơn hàng may trong nước, cơ cấu hóa lại sản phẩm trong thời gian chờ đợi thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại. 

Nông dân phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) tập trung thu hoạch rau màu vụ đông để chuẩn bị sản xuất vụ xuân.

Không chỉ riêng lĩnh vực công nghiệp, đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân trong tỉnh cũng đang tập trung xuống đồng sản xuất đầu năm với mong muốn sẽ gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ông Nguyễn Khánh Long, ở tổ 14, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Nhà tôi đang gieo lứa rau cải để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Do đã lắp hệ thống nhà lưới cộng với giàn tưới tự động nên các công đoạn chăm sóc rau cũng đỡ vất vả hơn, hạn chế được sâu bệnh so với trồng rau theo phương pháp thông thường. Còn ông Nguyễn Mạnh Liên, ở xóm Làng Lê, xã Động Đạt (Phú Lương) cho hay: Thời điểm này, bà con chúng tôi đang ra đồng nạo vét kênh mương để chuẩn bị dẫn nước tưới đảm bảo cho sản xuất. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị giống, phân bón để xuống giống vụ xuân.

Được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 29.800ha lúa, hơn 6.500ha ngô, 4.700ha rau màu các loại. Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp - PTNT: Cùng với việc chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón, nguồn nước tưới cho sản xuất vụ xuân, Sở cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đặc biệt, chú trọng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò, cúm gia cầm. Cùng với đó, khuyến cáo người dân cần theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để chủ động duy trì sản xuất, đảm bảo gieo trồng vụ xuân trong khung thời vụ để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt nhất. Đồng thời làm tốt công tác dự báo, dự tính sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ trên đàn gia súc, gia cầm…

Từ thực tế cho thấy, hiện nay, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, với quyết tâm ra quân sản xuất, kinh doanh ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới sẽ là động lực giúp các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.