Đó là một trong những nội dung được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh và đại diện 4 tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tập trung bàn thảo tại Hội nghị giao ban quý I giữa các đơn vị.
Được biết, mặc dù một số chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được nâng mức tối đa từ 50 lên 100 triệu đồng/hộ từ tháng 3-2019, nhưng ở chương trình cho vay hộ nghèo, hiện mới có trên 1,1 nghìn hộ được vay trên 50 triệu đồng, chiếm hơn 3% tổng hộ vay theo Chương trình này. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn tối đa đạt thấp, trong đó, chủ yếu là do hộ vay chưa mạnh dạn đề xuất vay cao; tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn lo ngại hộ vay không có khả năng sử dụng vốn hiệu quả, dễ dẫn đến rủi ro...
Tại Hội nghị, lãnh đạo NHCSXH tỉnh đề nghị các hội đoàn thể (gồm: Phụ nữ, Nông dân, Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên) chỉ đạo các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội, đoàn thể mình phụ trách, rà soát, lập danh sách những hộ có nhu cầu và khả năng sử dụng nguồn vốn vay trên 50 triệu đồng, để hướng dẫn, giúp đỡ cách thức sử dụng nguồn vốn, từ đó thực hiện việc cho vay ở mức tối đa. Sau một thời gian, nếu thấy hiệu quả sẽ nhân ra diện rộng, nhằm phát huy vai trò nguồn vốn vay của NHCSXH.
Ngoài ra, đại diện các tổ chức chính trị xã hội cũng đề nghị NHCSXH tỉnh tiếp tục kiến nghị với Trung ương bỏ yêu cầu hộ vay phải có hóa đơn đỏ chứng minh cho việc mua vật liệu xây dựng đối với chương trình vay xây nhà theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, vì quy định này khiến người vay phải tốn thêm phần chi phí khá lớn...
Theo báo cáo của NHCSXH, tính đến cuối năm 2020, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với NHCSXH tỉnh quản lý 2.921 tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ 3.586 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 99,63% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh.