Xây dựng nông thôn mới: Nhiều kết quả nổi bật

17:12, 02/01/2021

Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được nâng lên; xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ nét cả về bề rộng và chiều sâu; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực… Đó là những thành tích nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM (Chương trình) năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Cụ thể, tỉnh đã sớm phân bổ các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và xi măng để các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động tổ chức triển khai làm đường giao thông; đồng thời, quyết định hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong năm 2020.
 
Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Từ nguồn kinh phí Chương trình hỗ trợ, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức được 42 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 1 nghìn học viên, 20 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 600 học viên, 3 lớp bồi dưỡng nguồn nhân lực phát triển hợp tác xã cho 120 người. Ngoài ra, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức được 60 lớp tập huấn cho trên 3.000 cán bộ và nhân dân thuộc các xã xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
 
Nhờ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã đồng thuận tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình năm 2020 là gần 850 tỷ đồng; trong đó, vốn Ngân sách Trung ương là 468,7 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 290,6 tỷ đồng; huy động đóng góp của người dân, doanh nghiệp là 90 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn tín dụng do người dân, doanh nghiệp vay phát triển sản xuất là trên 19.740 tỷ đồng.
Đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh kiểm tra mô hình trồng măng tây ở phường Châu Sơn (T.P Sông Công).
 
Từ nguồn vốn đầu tư trên, dự ước, hết năm 2020, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn NTM (vượt mục tiêu của năm 2020 là 5 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 108 xã, đạt 75,5% (bao gồm cả 6 xã đã lên phường, thị trấn và sát nhập); không còn xã dưới 10 tiêu chí. Có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 6 xã và có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu toàn tỉnh lên 4 xã (bao gồm cả xã Vinh Sơn, T.P Sông Công đã lên phường).
 
Bên cạnh đó, với quyết tâm đẩy mạnh phát triển Chương trình OCOP, Ban Chỉ đạo tỉnh kiện toàn, bổ sung nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cho Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp; tích cực thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm được xếp hạng OCOP. Đẩy mạnh công tác tuyên tryền, như: Tổ chức toạ đàm với chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã trên truyền hình; xây dựng các phóng sự, clip tuyên truyền trên sóng phát thanh, truyền hình, đăng báo và các hệ thống thương mại điện tử; tham gia các hội chợ tại Hà Nội và các tỉnh, thành.
 
Với quyết tâm chính trị cao trong xây dựng NTM, năm qua, 2 xã Tân Thành và Bàn Đạt đã sớm về đích, góp phần đưa huyện Phú Bình trở thành địa phương có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đến nay, toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Năm 2020, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương, các cộng tác viên Trang thông tin điện tử NTM Thái Nguyên tập trung phản ánh, đưa tin về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà trọng tâm là Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”. Kết quả, hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 51 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3-4 sao (trong đó, có 7 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị hội đồng Trung ương đánh giá xếp hạng) nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá (2019, 2020) trong toàn tỉnh từ 3 đến 4 sao là 76 sản phẩm (vượt 26 sản phẩm so với kế hoạch). Thực hiện chính sách hỗ trợ cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, sản phẩm 3 sao là 20 triệu đồng, 4 sao là 30 triệu đồng.
 
Trao đổi với chúng tôi về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021, đồng chí Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: Trong thời gian tới Văn phòng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt việc công khai dân chủ, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đồng thời, khơi dậy, khuyến khích phát huy tiềm năng, lợi thế vùng miền để triển khai thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường…