Đưa máy xuống đồng

08:24, 27/02/2021

Những năm gần đây, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Định Hóa đã từng bước đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập.

Có mặt tại cánh đồng Nam Cơ, xã Kim Phượng những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động nhộn nhịp, khẩn trương. Trên khắp cánh đồng, tiếng máy cày, máy bừa rền vang, bà con đang hối hả chuẩn bị cho vụ xuân. Anh Lương Thanh Huyền chia sẻ: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy hơn 5 sào lúa. Trước kia, để làm đất chuẩn bị cho gieo cấy, tôi phải dùng sức trâu cày ải mất khoảng 2-3 ngày. Những năm gần đây, gia đình tôi thường thuê máy cày, bừa làm đất với chi phí 150-200.000 nghìn đồng/sào. Từ ngày có máy móc, các công đoạn từ làm đất, gieo cấy đến thu hoạch lúa của gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều.

Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng thông tin: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, xã còn tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận với các chương trình vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua sắm máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, các loại máy móc đã đảm đương khâu làm đất cho khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp của địa phương.

Không riêng Kim Phượng, những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Định Hóa đã chủ động đưa cơ giới hoá vào trong sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như xã Bảo Cường hiện có gần 70 máy kéo, trên 50 máy cày bừa, 92 máy bơm, 121 máy cắt cỏ, 3 máy gặt đập liên hợp… Nhờ vào sự hỗ trợ của máy móc mà bà con chủ động được việc làm đất, tranh thủ được nguồn nước nên gần 200ha lúa của xã luôn được gieo cấy kịp khung thời vụ. Cùng với việc gieo cấy, lúa được thu hoạch đồng loạt bằng máy móc, qua đó năng suất lúa hằng năm luôn đảm bảo, đạt khoảng 54,5 tạ/ha năm 2020 (tăng gần 5 tạ/ha so với năm 2015); giảm chi phí khâu làm đất và khâu thu hoạch từ 2 đến 2,5 triệu đồng/ha…

Người dân tích cực sử dụng máy móc trong sản xuất đã góp phần đưa tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện được áp dụng cơ giới lên trên 93% trong khâu làm đất và gần 80% trong khâu thu hoạch. Để có được kết quả này, thời gian qua, huyện Định Hóa đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình mua sắm máy móc, phát triển dịch vụ cơ giới hóa; triển khai các chính sách hỗ trợ linh hoạt, khuyến khích đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, tăng mức hỗ trợ trực tiếp để khuyến khích người dân mua máy móc nông nghiệp.

Đồng thời, mở các lớp tập huấn vận hành, sử dụng máy móc nông nghiệp. Việc áp dụng cơ giới hóa vào trong sản xuất không chỉ giải phóng sức lao động cho người nông dân mà còn góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ. Trong những năm gần đây, diện tích cấy lúa hằng năm của huyện đều duy trì ổn định ở mức 4.000ha; sản lượng lương thực cây có hạt tăng qua các năm, năm 2020 đạt 51,3 nghìn tấn; giá trị sản phẩm/ha đất trồng trọt tăng từ 72,5 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 94,3 triệu đồng như hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Đình Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Định Hóa cho biết: Xác định tầm quan trọng của việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện triển khai các dự án, chương trình của Trung ương, của tỉnh trong việc hỗ trợ các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn mua sắm máy móc, nông cụ; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn kịp thời để phát triển sản xuất… Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 98% diện tích lúa và 95% diện tích hoa màu được ứng dụng cơ giới hóa.