Những năm qua, cùng với nỗ lực vươn lên của người dân, xã Phú Đình (Định Hóa) đã phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng an toàn khu để tập trung phát triển kinh tế. Qua đó, công tác giảm nghèo của xã đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Trương Văn Vựng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Phú Đình có trên 1.500 hộ dân, trong đó khoảng 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nông nghiệp và trồng rừng. Tuy vậy, diện tích đất nông nghiệp (khoảng 230ha), diện tích rừng sản xuất (trên 400ha) không nhiều nên người dân gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Trước thực tế đó, nhiều giải pháp xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian qua được Đảng ủy, UBND xã đưa ra, trong đó đặc biệt phải kể đến là phát triển cây chè theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Từ năm 2016 đến nay, UBND xã đã vận động nhân dân thành lập được 5 làng nghề sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xóm Phú Ninh và Đồng Duyên.
Chúng tôi đến tham quan mô hình kinh tế của gia đình chị Bùi Thị Mai, xóm Phú Ninh, một trong những hộ thoát nghèo nhờ trồng chè, chị cho biết: Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo nhiều năm liền, kinh tế chỉ dựa vào mấy sào ruộng và vài sào chè trung du. Năm 2017, gia đình tôi được vay vốn từ ngân hàng chính sách huyện, chúng tôi đã mở rộng và chuyển toàn bộ diện tích chè trung du sang trồng chè cành. Đến nay, gia đình tôi làm được khoảng 2 tạ chè khô/lứa, với giá trung bình khoảng 150.000 -200.000 đồng/kg, mỗi lứa cho thu về khoảng trên 30 triệu đồng. Từ thu nhập kể trên, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo vào năm 2020.
Cùng hướng đi như gia đình chị Mai, hiện xóm Phú Ninh có trên 90% hộ dân làm chè với tổng diện tích trên 46ha. Nhiều hộ dân tham gia vào làng nghề, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó sản phẩm chè của xóm ngày càng có giá trị cao hơn. Từ năm 2016 đến nay, nhờ cây chè đã giúp gần 20 hộ dân thoát nghèo, hàng chục hộ thoát cận nghèo và nhiều hộ khác ổn định kinh tế, kiên cố nhà cửa và tiếp tục mở rộng sản xuất.
Bên cạnh cây chè, năng suất nhiều loại cây trồng khác trên địa bàn xã cũng được cải thiện rõ rệt. Để bà con đẩy mạnh áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, mỗi năm, UBND xã cũng phối hợp với các phòng, ban của huyện tổ chức 8-10 lớp tập huấn về kỹ năng chăm sóc phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Những năm gần đây, nhiều giống lúa mới cho năng suất và giá trị kinh tế cao được bà con đưa vào sản xuất như: J02, Thiên Ưu 8, Bao Thai, Khang Dân 18…. Năm qua, trên 400ha lúa của xã cho năng suất bình quân đạt 54 tạ/ha, bằng với năng suất lúa bình quân của toàn huyện. Cùng với đó, hàng chục hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ tự mua máy làm đất, máy đốn cúp chè ngoài việc sử dụng trong gia đình còn đi làm thuê hoặc đổi công cho các hộ khác, có thêm thu nhập đáng kể, từ đó có nguồn lực để đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu, bò…
Ông Vựng cho biết thêm: Để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mỗi năm, UBND xã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 5-7 lớp đào tạo nghề, qua đó giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động đến làm việc cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục kết nối với các công ty, nhà máy, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa lao động của địa phương đến làm việc.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo mà trong hơn 5 năm qua, xã giảm được gần 500 hộ nghèo, 363 hộ cận nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 109 hộ (6,95%), tỷ lệ hộ cận nghèo của xã còn 67 hộ (4,27%).