Từ cuối năm 2020 đến nay, tiến độ thi công của hầu hết các công trình, dự án lớn trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng do thời tiết và dịch COVID-19. Những ngày gần đây, khi tình hình dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị chủ đầu tư tập trung huy động nhân lực, máy móc để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm các công trình, dự án “về đích” theo đúng kế hoạch.
Từ 6 giờ sáng, công trường thi công đường Bắc Sơn kéo dài (T.P Thái Nguyên) đã nhộn nhịp tiếng máy móc. Từng tốp công nhân chia thành các nhóm, người nào việc nấy khẩn trương bắt tay vào công việc. Ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, chủ đầu tư Dự án cho biết: Hiện, chúng tôi đang huy động trên 100 công nhân, kỹ sư cùng với 40 đầu máy móc, thiết bị chia thành 15 mũi thi công, làm việc liên tục 3 ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ Dự án, phấn đấu thông tuyến trước ngày 30-6 theo đúng cam kết với tỉnh. Tính đến thời điểm này, khối lượng thi công Dự án đã đạt trên 90% giá trị hợp đồng. Chúng tôi đang gấp rút thi công 3 cây cầu trên tuyến, gồm: Cầu vượt đường sắt, cầu vượt cao tốc và cầu Suối Đá; đồng thời, hoàn thiện các hạng mục còn lại: Xây dựng hệ thống thoát nước, chiếu sáng, lát vỉa hè, lát đá dải phân cách… Tuy nhiên, trên tuyến vẫn còn 6 điểm vướng mắc về giải phóng mặt bằng nên việc thi công Dự án gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND T.P Thái Nguyên sớm giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc để bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư thực hiện Dự án đảm bảo tiến độ.
Hiện nay, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đang huy động trên 100 kỹ sư, công nhân và 40 đầu máy móc, thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công đường Bắc Sơn kéo dài. Trong ảnh: Thi công cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, một trong những hạng mục quan trọng của Dự án.
Ông Nguyễn Đức Lượng, Trưởng Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng T.P Thái Nguyên (đơn vị được giao quản lý hợp đồng Dự án đường Bắc Sơn kéo dài) thông tin: Dự án đường Bắc Sơn kéo dài là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào đầu năm 2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của thời tiết, diễn biễn dịch COVID-19 và những vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng nên Dự án đã bị chậm tiến độ. Hiện nay, Dự án đã bước vào giai đoạn “nước rút”. Chúng tôi đang nỗ lực hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 4 để bàn giao cho chủ đầu tư thi công các hạng mục còn lại.
Cùng với Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, hiện nay, Dự án đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Công II cũng đang bước vào giai đoạn “nước rút”. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh (chủ đầu tư Dự án), đến thời điểm này, đơn vị đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được 187/250ha, đạt 75% tổng diện tích. Mặc dù hạ tầng KCN chưa hoàn thành nhưng diện tích đất công nghiệp đã được các nhà đầu tư đăng ký lấp đầy với gần 20 dự án, tổng số vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD và 1.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Các dự án tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: cơ khí chế tạo máy; cơ khí, sản xuất, lắp ráp ôtô; sản phẩm điện tử... Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn xây dựng nhà xưởng, dự kiến trong 2 tháng tới, một số dự án sẽ hoàn tất quá trình xây dựng và đủ điều kiện đi vào sản xuất. Trong đó có Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất ván gỗ công nghiệp của Công ty TNHH Dongwha (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Công ty TNHH Dongwha chia sẻ: Hiện nay, việc xây dựng nhà máy đã cơ bản hoàn tất. Chúng tôi đang chờ đoàn chuyên gia nước ngoài hoàn tất thời gian cách ly theo quy định phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện quá trình vận hành thử nghiệm. Dự kiến khoảng cuối tháng 5, Dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động địa phương.
Theo ông Trần Quốc Trung, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh: Việc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Sông Công II được triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ đã và đang tạo ra sự hấp dẫn đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Theo tính toán của chúng tôi, khi lấp đầy và đi vào hoạt động, KCN Sông Công II sẽ thu hút vốn đầu tư quy đổi gần 2 tỷ USD. Các dự án trong KCN mỗi năm sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu trên 2,5 tỷ USD, nhập khẩu trên 1,6 tỷ USD, tạo việc làm mới cho 30.000 lao động, nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm…
Cùng với 2 dự án nêu trên, các dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh cũng đang được các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để “về đích” đúng kế hoạch, như: Dự án Trung tâm thương mại Việt - Nhật (Siêu thị “GO!” Big C); Dự án Trung tâm hành chính huyện Đồng Hỷ; Dự án đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường nối Quốc lộ 37 đến cầu vượt Sông Cầu (Phú Bình); Dự án Khu đô thị Nam Thái (T.X Phổ Yên); Dự án đường Việt Bắc (giai đoạn 2); Dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực (T.P Thái Nguyên)… Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nói: Tiến độ triển khai các công trình, dự án sẽ quyết định đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh. Do đó, mới đây, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường phối hợp với các chủ đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án. Đồng thời, giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch…