Dịch COVID-19 được xem là cú sốc đối với nhiều doanh nghiệp (DN). Mặc dù vậy, trải qua 3 đợt dịch với muôn vàn khó khăn, thử thách, nhiều DN trên địa bàn T.P Thái Nguyên vẫn trụ vững và kinh doanh hiệu quả. Điều này cũng chứng tỏ khả năng chống chọi và thích ứng với môi trường kinh doanh mới của các DN.
Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Xi măng Cao Ngạn, nằm trên địa bàn xã Cao Ngạn. Tại đây, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, sôi động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên . Được biết, trong năm 2021, Công ty đặt mục tiêu sản xuất, kinh doanh đạt doanh thu 295 tỷ đồng, 2 tháng đầu năm nay đơn vị đã đạt doanh thu 50 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty chia sẻ: Cũng như nhiều DN khác, dịch COVID-19 xuất hiện thời gian qua đã khiến cho Công ty chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Xác định dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, cuối năm 2020, chúng tôi tiến hành thực hiện đồng bộ 3 giải pháp then chốt. Thứ nhất, tiến hành cấu trúc lại bộ máy DN. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tối ưu hóa hệ thống DN từ con người đến sản phẩm để đảm bảo sức cạnh tranh về mặt chi phí. Thứ hai, trong khi khó khăn nhiều DN sa thải công nhân thì chúng tôi lại tiến hành tuyển dụng thêm chuyên gia có tay nghề giỏi để ứng phó tốt với các khó khăn trước mắt và lâu dài. Thứ nữa, chúng tôi đã mạnh dạn hợp đồng với chuyên gia Nga mua công nghệ sản xuất mới để sản xuất loại gạch thay thế hoàn toàn đá tự nhiên, loại gạch này đang được Công ty sản xuất độc quyền trên thị trường miền Bắc.
Đến thăm Công ty TNHH Sơn Nam, đóng chân trên địa bàn phường Tân Lập, chúng tôi được ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Đơn vị chúng tôi chuyên sản xuất các loại gạch xây công trình, lát vỉa hè, ống cống thoát nước, cọc ép bê tông. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, doanh thu của Công ty đã sụt giảm một nửa. Bước sang năm 2021, Công ty tiếp tục gặp khó khăn do giá sắt, thép, xăng dầu, các loại vật liệu khác như: cát, sỏi, xi măng leo thang trong khi sản phẩm bán chậm. Điều đó tại bắt buộc chúng tôi phải đưa ra các giải pháp để thích ứng trong điều kiện sản xuất, kinh doanh mới. Theo đó, chúng tôi vừa đầu tư dây chuyền sản xuất cọc dưỡng lực trên 5 tỷ đồng vào sản xuất, đưa máy mài tự động vào để sản xuất gạch tăng năng suất, tạo mẫu mã sản phẩm đẹp, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Công ty còn thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với người lao động để họ yên tâm làm việc, cống hiến cho Công ty.
Bên cạnh các ngành sản xuất, lịch vực du lịch - dịch vụ thời gian qua chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 hiện cũng đang từng bước phục hồi. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Giám đốc Công ty Du lịch - Khách sạn Dạ Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Dịch COVID-19 khiến các DN trong ngành Du lịch, dịch vụ rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có từ trước tới nay. Tuy nhiên, thay vì nằm im bất động, các DN đã vận dụng khoảng thời gian “nhàn rỗi” để tập trung tái cơ cấu tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính cho đến việc đưa ra cơ chế quản lý điều hành hiệu quả… Nhờ chủ động trong mọi tình huống, khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi bắt tay ngay vào kinh doanh và đã có lãi.
Chia sẻ về tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn, ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên bày tỏ: T.P Thái Nguyên có hơn 2.000 DN, sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã đặt các DN đứng trước hai lựa chọn, một là thích ứng để tồn tại và phát triển, hai là đứng yên để phá sản. Tuy nhiên thực tế cho thấy, rất nhiều DN trên địa bàn thành phố đã năng động, sáng tạo, biết biến “nguy thành cơ”. Thời gian qua không có DN nào bị phá sản, phải sa thải công nhân, người lao động hay không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Điều này không chỉ cho thấy các DN trụ vững trước khó khăn mà còn tạo nên nền tảng, kinh nghiệm để cộng đồng các DN sẵn sàng ứng phó với các biến động khác trong tương lai, đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.