Mặc dù, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 về phê duyệt giá dịch vụ qua cầu treo do tỉnh quản lý, nhưng hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân thu giá dịch vụ qua cầu treo vẫn chưa thực hiện theo đúng quy định. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về tính minh bạch đối với các khoản thu cũng như việc chấp hành quy định kê khai, nộp thuế, quyết toán với cơ quan Nhà nước.
“Loạn” giá vé tháng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 cầu treo được áp dụng giá dịch vụ qua cầu treo. Không thể phủ nhận những lợi ích của việc đầu tư xây dựng cầu treo đối với đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là việc thu hút đầu tư xây dựng cầu treo bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp đã góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước (NSNN). Tuy vậy, trong nhiều năm qua, việc thu giá dịch vụ qua cầu treo ở mỗi địa phương lại khác nhau khiến người dân băn khoăn.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã đi khảo sát 5 trong tổng số 12 cầu treo gồm: cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng và cầu treo Đồng Liên, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên); cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập và cầu treo Văn Lăng, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ); cầu treo Hà Châu - Đồng Tân, xã Hà Châu (Phú Bình). Qua tìm hiểu thực tế cho thấy một vấn đề đang tồn tại là tình trạng “loạn” giá dịch vụ qua cầu treo giữa các địa phương.
Tại sổ đăng ký vé tháng qua Cầu treo Hà Châu - Đồng Tân, xã Hà Châu (huyện Phú Bình) thể hiện rõ mức giá dịch vụ qua cầu treo mà người dân phải nộp là 80.000 đồng/tháng/xe máy.
Là hộ dân sống ở xã Hà Châu, chị P.T.H cho biết: “Do thường xuyên phải đi làm qua cầu nên tôi đăng ký mua vé tháng, họ thu 80.000 đồng/tháng/xe máy”. Chị H. chỉ là một trong số rất nhiều người dân khác phải mua vé tháng với giá 80.000 đồng, chỉ tính riêng giáo viên dạy học tại 3 cấp học trong xã Hà Châu có tới 30 người. Trong khi đó, theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, mức giá tối đa dịch vụ qua cầu treo đầu tư bằng nguồn vốn ngoài NSNN do địa phương quản lý đối với vé tháng chỉ là 60.000 đồng/tháng/xe máy. Như vậy, giá dịch vụ qua cầu treo Hà Châu - Đồng Tân (do Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Việt Hưng quản lý, thu giá dịch vụ qua cầu) đã thu không đúng quy định.
Cũng là cầu treo được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài NSNN do địa phương quản lý, cầu treo Đồng Liên, xã Đồng Liên (Công ty CP Bia và Nước giải khát Thái Nguyên quản lý, thu giá dịch vụ qua cầu) và cầu treo Huống Thượng xã Huống Thượng (Công ty CP Xây dựng Giao thông II Thái Nguyên quản lý, thu giá dịch vụ qua cầu) thì đang thực hiện thu đúng quy định với mức 60.000 đồng/tháng/xe máy. Có thể thấy sự chênh lệch giá dịch vụ qua cầu của 3 doanh nghiệp nói trên đã tạo ra tình trạng “loạn” giá, khiến người dân khó hiểu.
Vé tháng qua cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên) do hộ dân được địa phương giao khoán thu GDV qua cầu không được niêm yết giá và tự đặt tên theo địa danh “Cầu treo xóm Sộp”.
Tình trạng thu giá dịch vụ không đúng quy định cũng xảy ra tại 2 cầu treo được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN là cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng và cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập. Cụ thể, theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND thì mức giá tối đa dịch vụ qua cầu treo đối với xe máy chỉ là 40.000 đồng/tháng, nhưng thực tế mức thu lại cao hơn nhiều. Bà Nguyễn Thị Hòa - hộ dân ở xóm Sộp, xã Huống Thượng được địa phương giao khoán thu giá dịch vụ qua cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng cho hay: Vé tháng ở đây là 60.000 đồng/tháng/xe máy và chỉ có học sinh, sinh viên và giáo viên thường xuyên đi qua đây mới được mua. Khi chúng tôi hỏi xem vé tháng thì bà Hòa đưa ra một tờ giấy in dòng chữ “phí Cầu treo xóm Sộp” kèm theo các thông tin như: vé tháng, năm, tên khách hàng, biển số xe… Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là vé do gia đình bà Hòa tự in nên không có các thông tin như các loại vé thông thường khác (giá vé, ký hiệu, mã số thuế). Còn tại cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập, mặc dù không phát hành vé tháng, nhưng một số người thường xuyên đi qua cầu cho hay, họ vẫn thường phải nộp 50.000 đồng/tháng/xe máy.
Hiện hữu những bất cập
Ngoài tình trạng “loạn” giá dịch vụ vé tháng qua cầu treo, chúng tôi còn thấy một thực tế: Có nhiều người dân phải qua cầu treo nhiều lượt trong ngày, họ mong muốn được mua vé tháng để tiết kiệm chi phí, thế nhưng phía đơn vị quản lý, thu giá dịch vụ qua cầu đã từ chối với lý do chỉ bán vé tháng cho người dân sinh sống dọc hai bên đầu cầu và đối tượng là sinh viên, giáo viên, công nhân. Thế nhưng, những người dân sinh sống dọc hai bên đầu cầu vốn dĩ từ trước đến nay đã được miễn phí qua cầu. Trong khi nhiều người dân khác, thậm chí cùng sinh sống trên địa bàn xã thường xuyên phải đi lại thì không được hỗ trợ mua vé tháng. Ông Nguyễn Viết Đài, Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu (Phú Bình) cho biết: Hiện nay, phần lớn người dân của 8/15 xóm trong xã sinh sống gần cầu treo Hà Châu - Đồng Tân như xóm Củ, Ngói, Sau... đang được miễn phí qua cầu, vì thế người dân rất phấn khởi. Còn đối với người dân của 7 xóm còn lại, hiện vẫn phải nộp phí 2.500 đồng/lượt/xe máy và 15.000 đồng/lượt/xe ô tô khi qua cầu.
Không chỉ “bất cập” đối với vé tháng, mà đối với vé lượt/ngày, quan sát tại 5 cầu treo nói trên trong khoảng từ 5-15 phút, chúng tôi thấy phần lớn người qua cầu đều không được phát vé lượt. Trong khi, theo quy định tại khoản 1, Điều 3 của Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND: “Tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thu tiền qua cầu treo có trách nhiệm niêm yết công khai mức giá, đối tượng được miễn, giảm; khi thu tiền phải phát hành vé có mệnh giá cho đối tượng nộp, đồng thời phải đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế theo đúng quy định của pháp luật hiện hành…”. Việc không phát vé theo đúng quy định không chỉ khiến người dân gặp khó khăn trong giám sát giá dịch vụ qua cầu mà còn gây thất thoát nguồn thu đối với cầu treo được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài NSNN.