Thời gian gần đây, nguồn nước sông Cầu (đoạn chảy qua địa phận của tỉnh) xuống thấp bất thường, nhiều đoạn cạn khô, trơ đáy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân dọc hai bên bờ sông.
Theo người dân sinh sinh sống dọc hai bên bờ sông Cầu phản ánh, khoảng 2 tháng nay, nguồn nước trên sông xuống thấp kỷ lục, nhất là đoạn từ đập Ba Đa về phía hạ lưu. Ông Trần Quang Trưởng, nhà ở tổ 3, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ mực nước sông Cầu xuống thấp như năm nay. Năm nào khô hạn, mực nước vẫn ở ngưỡng 20-30cm. Còn năm nay, nước xuống thấp, nhiều đoạn đi qua sông mà không bị ướt chân. Còn bà Trần Thị Hải, ở xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (T.P Thái Nguyên) cho biết: Nước sông Cầu xuống thấp khiến việc sinh hoạt của bà con gặp nhiều khó khăn, muốn bơm, hút nước tưới rau cũng gặp khó khăn. Riêng năm nay, bà con phải đào rãnh ở dưới sông để dẫn nước vào khu vực trạm bơm mới có thể hút được.
Đi dọc sông Cầu, đoạn từ cầu Ba Đa xuống đến xã Nhã Lộng (Phú Bình), chúng tôi thấy nhiều đoạn không có nước. Một số thuyền nhỏ dùng để đánh bắt thủy sản trên sông Cầu của bà con mắc cạn, nằm dải rác dọc bờ sông. Anh Nguyễn Văn Quang, nhà ở xóm Nón, xã Nhã Lộng chia sẻ: Trước đây, cũng có năm hạn hán, nước xuống thấp, nhưng chỉ trong khoảng 1 tháng là nước từ thượng nguồn đổ về. Ngoài Tết Nguyên đán, nước sông dâng cao, người dân trong xóm đua nhau đi bắt cá sông về để bán. Nhưng năm nay, nước xuống thấp, gần hết tháng Giêng rồi mà nước sông Cầu vẫn cạn khô, thuyền chài nằm chỏng chơ dưới sông.
Việc nước sông Cầu xuống thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của một số đơn vị khai thác cát, sỏi dọc sông Cầu. Anh Nguyễn Văn Hùng, Quản lý mỏ cát sỏi Gò Gầy, tại xã Nhã Lộng cho biết: Những năm trước dù khô hạn nhưng vẫn đủ nguồn nước phục vụ cho khai thác cát sỏi. Còn năm nay, từ hơn một tháng qua, các hoạt động khai thác cát, sỏi của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn do không có nước.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Năm nay, thời gian khô hạn kéo dài, nước sông Cầu xuống thấp nên đơn vị phải xả nước hồ Núi Cốc thông qua suối Mỏ Bạch ra sông Cầu, rồi cấp cho Bắc Giang. Bên cạnh nguyên nhân hạn hán có thông tin phản ánh, nhà máy thủy điện ở Bắc Kạn tích trữ nước nên không có nước chảy về hạ lưu. Còn ông Vương Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Nguồn nước sông Cầu rất đa dạng, phong phú, dù mùa khô cũng không cạn như năm nay. Nguyên nhân của sự việc trên do yếu tố thời tiết (nhiều tháng qua không có mưa to). Còn việc Nhà máy thủy điện Thác Giềng (Bắc Kạn) ở khu vực thượng nguồn tích trữ nước để phục vụ cho việc sản xuất điện thì chưa có thông tin cụ thể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sông Cầu bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và hợp lưu với nhiều khe suối khác. Dòng sông chảy qua địa phận Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương). Nguồn nước tại đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phục sản xuất, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân khu vực hạ du. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã thành lập Ủy ban lưu vực sông Cầu, gồm 6 tỉnh có dòng sông chảy qua, nhằm bảo vệ bền vững nguồn nước tại đây. Việc nguồn nước tại sông Cầu khô cạn, ảnh hưởng rất lớn đến khu vực hạ du, vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh nguyên nhân cụ thể để có giải pháp bảo vệ nguồn nước của dòng sông.