Những năm gần đây, thanh toán qua ngân hàng không còn xa lạ và được khá nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng. Tuy nhiên, so với mục tiêu được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra thì kết quả đạt được chưa như mong muốn. Thực tế này đòi hỏi ngành Ngân hàng và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có nhiều giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hình thức thanh toán này, trước hết là trong lĩnh vực dịch vụ công.
Triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (viết tắt là Đề án 241), ngày 20/7/2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND (Kế hoạch 93) giao cho các sở, ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công nêu trên nói riêng trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 241, hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước (KBNN) và các đơn vị cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ và triển khai đồng bộ các biện pháp để đẩy mạnh việc thanh toán thu phí dịch vụ qua ngân hàng.
Theo đó, KBNN tỉnh đã mở 26 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại 5 ngân hàng thương mại. Trên cơ sở này, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã thực hiện nộp thuế điện tử, các hộ kinh doanh có tài khoản ngân hàng cũng đã thực hiện nộp thuế qua tài khoản ngân hàng, các khoản thu lệ phí trước bạ ô tô, xe máy đều thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Đến hết năm 2020, có đến 99,9% số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện qua các hệ thống thanh toán của ngân hàng, KBNN.
Toàn tỉnh hiện có 263 máy ATM và 1.658 điểm chấp nhận thẻ. Trong ảnh: Thanh toán mua hàng qua thẻ ATM tại một siêu thị trên địa bàn T.P Thái Nguyên.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, bên cạnh việc trực tiếp thu tại quầy giao dịch, Công ty Điện lực và Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên đều đã ký hợp đồng với một số ngân hàng để triển khai ủy nhiệm thu tự động (trừ tiền vào tài khoản của khách hàng). Riêng Công ty Điện lực Thái Nguyên còn có cả hình thức thu qua dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking, BankPlus, ATM, POS... Nhờ đó khách hàng có thể thanh toán ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Tính đến cuối năm 2020, số khách hàng đã đăng ký thanh toán tiền điện qua ngân hàng và tổ chức trung gian gần 268,6 nghìn, chiếm 72,1% tổng khách hàng và số tiền thu được không bằng tiền mặt chiếm 93,4%. Tỷ lệ này thấp hơn đối với Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên khi tỷ lệ khách hàng là cá nhân và hộ gia đình thực hiện còn thấp. Ngay tại khu vực T.P Thái Nguyên hiện cũng mới đạt khoảng 20% khách hàng thanh toán tiền nước qua ngân hàng…
Về một số dịch vụ thanh toán khác (như tiền học phí, viện phí, chi trả an sinh xã hội…) cũng đều được các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện, song kết quả đạt được chưa cao; người dân vẫn chủ yếu giữ thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán… Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng: Những kết quả đạt được như trên chưa bảo đảm so với mục tiêu kế hoạch mà Chính phủ cũng như UBND tỉnh đề ra. Chính vì thế, mới đây, ngành Ngân hàng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, với mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt trên 50%; 100% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng; phấn đấu 96% trở lên các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn các thành phố thực hiện thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng; 100% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 96% trở lên số sinh viên tại các trường học này nộp học phí qua ngân hàng; 100% bệnh viện chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng; tối thiểu 80% bệnh nhân chi trả viện phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; 80% trở lên số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng…
Để có thể hoàn thành những mục tiêu nêu trên, ngành Ngân hàng và các đơn vị liên quan sẽ phải triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trong đó trọng tâm là đẩy mạnh triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại như: Tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị; tăng cường các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong các giao dịch; chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng; phát triển thêm các phương tiện thanh toán mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Cùng với đó là xây dựng biện pháp trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng. Tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng. Đồng thời tiếp tục làm tốt việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng, cũng như tăng cường công tác tuyên truyền để tổ chức, cá nhân hiểu đúng và tích cực hưởng ứng...