Huyện Đồng Hỷ hiện có trên 170 doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn. Những năm qua, huyện đã quan tâm, hỗ trợ về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng…, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển. Đặc biệt, tranh thủ nguồn vốn từ các đề án khuyến công, huyện đã triển khai hỗ trợ các đơn vị mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng, góp phần thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.
Năm 2019, cơ sở sản xuất kinh doanh của anh Nguyễn Năng Toàn, ở tổ 6, thị trấn Trại Cau được hỗ trợ 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh để mua máy đan lưới thép B40. Từ khi đưa máy đan lưới thép vào sử dụng, bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Toàn sản xuất được hơn 1 tấn thành phẩm. Anh Toàn chia sẻ: Trước đây, tôi phải nhập lưới thép từ nơi khác về sản xuất thành phẩm nên lợi nhuận thu được không cao. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc mua máy về tự sản xuất lưới thep nhưng chưa làm được vì chi phí đầu tư lớn. Phải đến khi được sự hỗ trợ từ nguồn Quỹ khuyến công, gia đình đã mạnh dạn đối ứng tiền để mua hệ thống máy đan này. Hiện nay, chúng tôi có thể đáp ứng được nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Lợi nhuận thu được cũng vì thế mà tăng cao hơn trước khoảng 30-40%.
Cũng nhận được sự hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công, năm 2019, Hợp tác xã Miến Việt Cường, ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng đã mạnh dạn đầu tư dàn máy ly tâm tách nước phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí 800 triệu đồng (trong đó, Quỹ khuyến công hỗ trợ 200 triệu đồng). Theo đánh giá, từ khi đưa máy móc vào hoạt động, đơn vị đã tiết kiệm được chi phí nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Nếu như trước đây, thực hiện việc tách nước ở bột chúng tôi cần phải có 5 công nhân, tương đương với chi phí 30 triệu đồng/tháng thì nay chỉ cần 1 người đứng máy. Thêm nữa, chất lượng bột thành phẩm cũng được nâng lên, đảm bảo an toàn thực phẩm và các yếu tố môi trường.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2016 đến nay, từ nguồn Quỹ khuyến công, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện hỗ trợ cho 18 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề với tổng số tiền trên 4,5 tỷ đồng (tăng gần 1,7 tỷ đồng so với giai đoạn 2011-2015). Các doanh nghiệp, đơn vị cũng đã đối ứng gần 10 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ông Phạm Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, hằng năm, Phòng đã chủ động rà soát, khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, từ đó có cơ sở để đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí thông qua các đề án khuyến công. Qua đánh giá, các đề án này đã phát huy hiệu quả, giúp các cơ sở đầu tư đúng hướng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Các đơn vị thụ hưởng chính sách khuyến công đã tăng trưởng đáng kể về doanh thu, chất lượng sản phẩm và số lượng nhân công.
Trung bình mỗi năm, 170 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện đạt doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 71 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 11.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, với mức thu nhập bình quân từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2021, huyện Đồng Hỷ dự kiến được tiếp nhận 3 đề án khuyến công, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đang phối hợp với các địa phương thông báo, rà soát tới những đơn vị, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký thụ hưởng.