Cùng với nhiệm vụ phát triển công nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng T.X Phổ Yên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, thời gian qua, T.X Phổ Yên luôn quan tâm phát triển thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn. Qua đó góp phần quan trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa TM-DV từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân...
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên cho biết: Với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý (nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và gần sân bay quốc tế Nội Bài), những năm gần đây, T.X Phổ Yên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Do đó, lượng người lao động đến làm việc, sinh sống và kinh doanh dịch vụ ngày càng tăng. Từ tiềm năng, lợi thế sẵn có, thị xã đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng các ngành, lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển TM-DV, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân, tiểu thương tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh…
Giai đoạn 2016-2020, thị xã đã thu hút 7 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực TM-DV với diện tích đất sử dụng trên 55ha, tổng số vốn đăng ký gần 1.660 tỷ đồng. Đặc biệt, thị xã cũng đã đầu tư gần 50 tỷ đồng để nâng cấp 9 chợ trên địa bàn, trong đó có 8 chợ nông thôn, 1 chợ do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại phường Đồng Tiến. Đến nay, trên địa bàn có 12 chợ được kiên cố hóa theo tiêu chuẩn của các xã đạt chuẩn nông thôn mới, với tổng số 1.432 điểm kinh doanh cố định. Ngoài ra, thị xã còn có 3 siêu thị kinh doanh tổng hợp với tổng diện tích khoảng 10.000m2.
Nông dân mua phân bón, vật tư nông nghiệp tại một cơ sở bán lẻ ở xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên).
Anh Ngô Quốc Huy, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Mart Phổ Yên cho biết: Siêu thị hiện bày bán gần 30 nghìn sản phẩm, chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, quần áo, giày dép và đồ gia dụng. Với mong muốn đưa những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý nhất đến tay người tiêu dùng, chúng tôi luôn lựa chọn những sản phẩm có thương hiệu; niêm yết giá công khai; đưa ra nhiều chương trình ưa đãi nhằm kích cầu mua sắm.
Cùng với hệ thống các chợ, siêu thị, trên địa bàn thị xã cũng có trên 7.630 cơ sở kinh doanh bán lẻ, trong đó có 97 doanh nghiệp tư nhân, hơn 7.500 hộ kinh doanh cá thể với khoảng 11.325 lao động. Hệ thống các cửa hàng bán lẻ được phân bổ rộng khắp trên địa bàn, kể cả những xã nằm xa trung tâm. Ông Lý Thái Việt, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết: Những năm gần đây, một lượng lớn người nhập cư, lao động đã chuyển đến sinh sống tại địa phương. Kéo theo đó là trên 500 cơ sở kinh doanh TM-DV đã được hình thành và phát triển, chủ yếu là dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, ăn uống... Cùng với đó, địa phương cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn của thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng.
Từ thực tế cho thấy hoạt động TM-DV trên địa bàn T.X Phổ Yên những năm qua đã có sự phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn T.X Phổ Yên đạt trên 4.450 tỷ đồng, tăng hơn 2.690 tỷ đồng so với năm 2016; tốc độ tăng trưởng TM-DV bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 30,7%. Thu hút trên 60.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ; góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%.
Với mục tiêu đến năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn đạt trên 8.960 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TM-DV giai đoạn 2021-2025 là 15%, T.X Phổ Yên tiếp tục khai thác tốt các lợi thế và tiềm năng của địa phương để phát triển TM-DV, đưa lĩnh vực này trở thành động lực thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt và tiêu dùng. Cùng với đó, ưu tiên thu hút đầu tư các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, chợ nông thôn; xuất khẩu các mặt hàng nông sản đã qua chế biến; thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt Nam tới khu vực nông thôn, miền núi góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…