Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hà Châu (Phú Bình) luôn quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), dịch vụ ở khu vực nông thôn. Qua đó, cơ cấu kinh tế địa phương đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng từ 35% (năm 2015) lên 65% (năm 2020).
Đi trên tuyến đê Hà Châu, qua các xóm Ngói, Đồn, Chảy, Chùa, chúng tôi thực sự bất ngờ trước sự thay đổi về diện mạo nông thôn nơi đây. Chỉ cách đây khoảng 5-7 năm, số cửa hàng buôn bán, kinh doanh ở Hà Châu chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đời sống của người dân hầu hết trông vào những mùa vụ nông nghiệp. Nhưng đến nay, trên khắp các nẻo đường vào các xóm, số cửa hàng kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng mọc lên ngày càng nhiều, trong xã đã xuất hiện những nhà xưởng sản xuất cơ khí, đồ gỗ…
Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ hộ kinh doanh ở xóm Chùa cho hay: Tận dụng lợi thế nằm ngay sát tuyến đê Hà Châu, cách đây vài năm, tôi đã mở một cửa hàng tạp hóa. Những năm gần đây, đường xá được đầu tư, đi lại thuận lợi hơn, đời sống người dân ngày càng khấm khá nên tôi đã đầu tư mở thêm quán nước giải khát, dịch vụ hát karaoke và tiệm may mặc. Nhờ cửa hàng kinh doanh này, gia đình tôi có thu nhập ổn định, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Đài, Bí thư Đảng ủy xã Hà Châu cho biết: Với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các vùng có ngành công nghiệp - dịch vụ phát triển mạnh như: thị xã Phổ Yên, Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nên trong 2 nhiệm kỳ gần đây (nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 - PV), Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết, xác định phát triển TTCN và dịch vụ là một trong những nhiệm vụ, là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động ở địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhằm thực hiện mục tiêu này, xã đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh các ngành nghề có thế mạnh ở địa phương đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô hoạt động; phát triển các nhóm, tổ, đội nghề như may mặc, xây dựng, phục dựng nhà cổ... Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ vốn vay ưu đãi để người dân đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế…
Là một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, anh Tạ Văn Đức, chủ siêu thị đồ gỗ Đức Huệ ở xóm Táo chia sẻ: Tôi theo nghề mộc từ năm 1994 nhưng hầu hết chỉ đi làm thuê hoặc gia công đồ gỗ nhỏ tại nhà. Đến năm 2005, thông qua Hội Nông dân xã, tôi được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để mở xưởng mộc. Sau 1 thời gian hoạt động hiệu quả, tôi đã hoàn trả vốn cho ngân hàng và tiếp tục được hỗ trợ cho vay lần 2 vào năm 2010. Năm 2019, tôi lại được hỗ trợ 60 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công của tỉnh để mua máy phay bào đa năng, phát triển sản xuất… Đến nay, cơ sở của tôi đang hoạt động ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đến 9 triệu đồng/tháng và 7-10 lao động thời vụ.
Theo số liệu thống kê, giá trị TTCN, dịch vụ trên địa bàn xã Hà Châu năm 2020 đạt 48 tỷ đồng (tăng 37% so với nhiệm kỳ trước); mạng lưới dịch vụ phát triển đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Hiện toàn xã có 170 hộ làm thương nghiệp, 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã, 17 hộ làm nghề mộc, 40 đội xây dựng với gần 500 người lao động, 76 hộ kinh doanh vận tải, có 45 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và khoảng trên 1.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện thu nhập bình quân của người dân xã Hà Châu đạt 48 triệu đồng/người/năm (tăng 24 triệu đồng so với năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,2%.