Vừa qua, trên Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Giá dịch vụ qua cầu treo: Quy định một đằng, thực hiện một nẻo” phản ánh tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân thu giá dịch vụ qua cầu treo trên địa bàn tỉnh thực hiện không đúng quy định của UBND tỉnh, dẫn đến “loạn” giá dịch vụ. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý, giám sát tại một số địa phương còn lỏng lẻo...
Trong bài viết trước, tại 5 cầu treo mà chúng tôi khảo sát trên địa bàn tỉnh thì có 3 cầu treo đang thu giá vé tháng không đúng quy định, gồm: Cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng (T.P Thái Nguyên); cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập (huyện Đồng Hỷ) và cầu treo Hà Châu - Đồng Tân, xã Hà Châu (huyện Phú Bình).
Đối với cầu treo Hà Châu - Đồng Tân được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước và ký hợp đồng theo hình thức BOT do Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Việt Hưng làm đơn vị quản lý, thu giá dịch vụ qua cầu, qua khảo sát thì cầu treo này đã thu 80.000 đồng/tháng/xe máy, cao hơn so với quy định là 20.000 đồng. Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Việt Hưng cho biết: “Công ty có thu 80.000 đồng nhưng không phải là giá vé tháng mà là giá hỗ trợ cho các giáo viên thường xuyên đi qua cầu, dạy học tại các trường học trên địa bàn xã Hà Châu”.
Theo chúng tôi, lời giải thích của ông Nguyễn Văn Thìn chỉ là biện minh cho vi phạm về thu giá dịch vụ qua cầu. Bởi lẽ, nếu như mức thu 80.000 đồng không phải là vé tháng thì phải là mức “hỗ trợ” cho vé lượt, và theo quy định thì doanh nghiệp phải đưa vé lượt cho người qua cầu. Nhưng trên thực tế, những người đã nộp 80.000 đồng/tháng cho doanh nghiệp không được phát vé lượt khi qua cầu hàng ngày, cũng như chưa được hưởng mức hỗ trợ giá vé lượt. Sự mập mờ này chính là hình thức lách luật của doanh nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: Nhiều năm qua, huyện vẫn chưa thành lập các đoàn thanh, kiểm tra về hoạt động thu giá dịch vụ tại cầu treo Hà Châu - Đồng Tân. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 4981/UBND-KT ngày 16/12/2020 về việc quản lý đối với các công trình đầu tư theo hình thức BOT trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Phú Bình mới thành lập tổ khảo sát tại cầu treo Hà Châu - Đồng Tân liên tục trong 21 ngày (từ ngày 8-28/1/2021). Thế nhưng, nhiệm vụ mà tổ khảo sát thực hiện cũng chỉ là khảo sát lượt người có phương tiện tham gia giao thông đi qua cầu treo để tính tổng số tiền thu phí, nên không phát hiện ra những vi phạm tại đây. Đó cũng là sơ suất cần rút kinh nghiệm.
Chia sẻ về khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, ông Tuấn cũng cho biết thêm: Do cầu treo Hà Châu - Đồng Tân nằm giáp ranh giữa hai huyện Phú Bình và Hiệp Hòa (Bắc Giang) nên việc phối hợp quản lý giữa hai địa phương vẫn chưa được chặt chẽ. Cùng với đó, đơn vị chủ đầu tư cũng chưa thường xuyên trao đổi thông tin với với huyện; ngoài ra địa phương cũng chưa từng nhận được ý kiến, kiến nghị của người dân. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Thái Nguyên, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với xã Hà Châu kiểm tra, xác minh. Qua đó cho thấy, nội dung Báo phản ánh là đúng. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời đề nghị chủ đầu tư cam kết thực hiện thu giá dịch vụ qua cầu đúng quy định.
Tương tự, tình trạng buông lỏng quản lý cũng diễn ra tại hai cầu treo được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước gồm: Cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng và cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập. Khi chúng tôi hỏi: Vì sao cầu treo Sông Đào, xã Huống Thượng thu vé tháng không đúng quy định?. Ông Dương Văn Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Huống Thượng cho hay: “Hằng tháng, cán bộ xã có xuống kiểm tra thực tế tại cầu. Khi chúng tôi hỏi về việc thu giá dịch vụ thì bà Nguyễn Thị Hòa (người được địa phương giao khoán thu giá dịch vụ) trả lời là thu đúng theo quy định. Kiểm tra sổ đăng ký mua vé tháng tại cầu, chúng tôi không thấy ghi rõ cụ thể số tiền nên không phát hiện ra vi phạm về giá”. Còn khi được hỏi về việc tại sao UBND xã không yêu cầu bà Hòa phát hành vé tháng và niêm yết giá để thuận lợi cho công tác quản lý, thì ông Dương Văn Phượng giải thích: “Hiện nay tại cầu treo Sông Đào đã được niêm yết công khai mức giá dịch vụ qua cầu”. Tuy nhiên thực tế chúng tôi thấy, bảng giá dịch vụ treo tại cầu lại niêm yết theo Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 22/5/2015 của UBND tỉnh, thế nhưng Quyết định này đã hết thời hạn kể từ năm 2017.
Còn tại cầu treo Thác Nhật, xã Minh Lập, theo bà Trần Thị Anh Hoa, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đồng Hỷ: Khi bắt đầu thực hiện thu phí, UBND huyện đã có văn bản giao UBND xã quản lý và kiểm tra, giám sát việc thu phí cũng như công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên. Để xảy ra thu giá vé tháng sai quy định thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Vì vậy, trong thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra để chấn chỉnh hoạt động này. Đồng thời, yêu cầu các xã khác có cầu treo (đang áp dụng thu giá dịch vụ qua cầu) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thu phí tại địa phương.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra hoạt động của những cầu treo đang thực hiện thu giá dịch vụ trên địa bàn tỉnh nhằm kịp thời ngăn chặn, khắc phục những tồn tại nói trên. Đồng thời, các cấp chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thu giá dịch vụ qua cầu treo. Cùng với đó, người dân cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin để bảo đảm quyền lợi của mình.