Từ đầu năm 2020 đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Tuy vậy, dưới góc nhìn của nhiều người đi vay thì mức giảm lãi suất cho vay mà các NHTM đang áp dụng là chưa tương xứng.
Có thể nói, trong nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào lãi suất cho vay của NH lại thấp như hiện nay. Nguyên nhân là bởi lãi suất huy động tiết kiệm giảm sâu và việc cho vay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm 2020, hiện lãi suất huy động bằng VNĐ giảm 0,5-1%/năm (tùy kỳ hạn); lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên kỳ ngắn hạn bằng VNĐ giảm 1,5%/năm; các lĩnh vực khác giảm 1-1,5%/năm. Tuy nhiên, không phải tất cả khách hàng đều được hưởng một mức giảm giống nhau, mà phụ thuộc vào việc phân tích, đánh giá rủi ro của NH với khách hàng. Và giữa các NH, việc áp dụng giảm lãi đầu vào và đầu ra cũng không giống nhau.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, toàn tỉnh có trên 5,4 nghìn khách hàng được miễn giảm lãi vay, với số tiền gần 15 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho xấp xỉ 3 nghìn khách hàng, với dư nợ trên 8,1 nghìn tỷ đồng; trên 15,2 nghìn khách hàng được cho vay mới với lãi suất ưu đãi, với số tiền gần 40 nghìn tỷ đồng. |
Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh phân tích: NHNN chỉ khống chế trần lãi suất huy động VNĐ đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống; quy định lãi suất ngoại tệ bằng 0%; đưa ra mức lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và một số dự án cụ thể, còn việc cho vay với lãi suất bao nhiêu, giảm nhiều hay ít, cho đối tượng khách hàng nào… là do NHTM quyết định. Trong bối cảnh phần lớn NH đều dư thừa vốn và muốn tăng dư nợ cho vay như hiện nay, thì các đơn vị này đều đã áp dụng các chính sách tốt nhất dành cho khách hàng. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa các NH lại cho vay ra bằng mọi giá, cho vay dưới chuẩn, vì nếu dư nợ tăng ồ ạt sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ tăng nợ xấu.
Còn theo ông Lã Hùng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Thái Nguyên: Việc giảm lãi suất huy động sẽ không thể kéo theo cùng lúc giảm lãi suất cho vay, mà cần một khoảng thời gian nhất định. Bởi dư nợ hiện hữu của khách hàng khi đó đang là từ những khoản huy động trước đó. Trong đó có nhiều khoản mà đến giờ, NH vẫn đang tiếp tục phải trả với lãi suất khá cao. Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo của NHNN, thời gian qua, Chi nhánh cũng đã triển khai hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cũng như giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, trong năm 2020, Chi nhánh đã triển khai 6 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay, trong đó có 4 chương trình của Hội sở chính và 2 chương trình của Chi nhánh. Theo đó, đã có 1.329 khách hàng được giảm lãi suất, với số tiền giải ngân 4.217 tỷ đồng, số tiền lãi giảm khoảng 20 tỷ đồng. Từ tháng 10-2020, Chi nhánh thực hiện giảm 1% lãi suất cho của tất cả khách hàng và áp dụng nhiều mức giảm lãi suất khác đối với các đối tượng khách hàng khác nhau.
Cùng chung nhận định trên, đại diện một số NHTM trên địa bàn tỉnh chỉ ra rằng: Trong khi đa số khách hàng có xu hướng chọn vay ở kỳ ngắn hạn để được hưởng mức lãi suất thấp hơn, còn nguồn vốn huy động của NH lại phần lớn ở kỳ dài. Sự chênh lệch kỳ hạn giữa việc huy động và cho vay cũng là yếu tố khiến nhiều người hiểu rằng NH đang giảm lãi suất không tương xứng với nguồn vốn huy động.