Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Võ Nhai, đến nay xã Bình Long đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Có được kết quả trên ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng góp sức của người dân thì không thể không kể đến sự đồng hành của các chính sách dân tộc được triển khai trên địa bàn xã.
Cuối năm 2020, con đường dài gần 1,5 km từ xóm Chịp đi xóm Đồng Bản của xã Bình Long đã được hoàn thiện với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135. Công trình không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế của người dân xóm Đồng Bản. Ông Lý Văn Quê, Trưởng xóm Đồng Bản chia sẻ: Xóm có 154 hộ với 623 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 90%. Trước năm 2020, đường từ xóm đi qua xóm Chịp để đến trung tâm xã là đường đất, nhỏ, có độ dốc cao.
Vì vậy, bà con đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, hàng hóa vì vậy cũng khó vận chuyển, thương lái lại không chịu vào xóm thu mua. Năm 2020, tuyến đường được xây dựng bà con nhân dân trong xóm rất vui mừng, phấn khởi, ủng hộ phương án làm đường giao thông. Để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công tuyến đường 10 hộ dân trong xóm đã tình nguyện hiến gần 1.500m2 đất và cây trồng trên đất. Từ khi hoàn thiện tuyến đường, việc đi lại của người dân thuận tiện hơn nhiều, nông sản làm ra đến đâu được thương lái đánh xe vào tận nơi thu mua đến đó.
Ngoài việc đầu tư đường giao thông, từ các chính sách dân tộc, đã có trên 50 hộ nghèo, cận nghèo của xóm Đồng Bản được hỗ trợ vốn, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, cây, con giống.... Việc này đã tạo ra sinh kế mới cho người dân, mở ra những hướng phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của cho đồng bào. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xóm giảm nhanh qua các năm, đến nay xóm chỉ còn 13% hộ nghèo, cận nghèo (giảm gần 35% so với năm 2016), thu nhập bình quân theo đầu người năm 2020 đạt trên 30 triệu đồng/người/năm.
Cũng như xóm Đồng Bản, trong năm 5 qua, cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế của người dân 4 xóm đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống của xã Bình Long là các xóm: Chịp, Quảng Phúc, Chùa và Đồng Bứa đã “thay da đổi thịt” nhờ nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc. Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: Xã Bình Long có 1.503 hộ với trên 6.000 nhân khẩu, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu. Tại thời điểm năm 2016, tức là sau 5 năm xây dựng NTM, xã mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí. Những tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, văn hoá, thu nhập, hộ nghèo, môi trường, hình thức tổ chức sản xuất, nhà ở dân cư. Trong số 7 tiêu chí chưa đạt thì giao thông và hộ nghèo được coi là 2 tiêu chí khó khăn nhất, bởi cần nguồn lực rất lớn và hệ thống giao thông chưa được xây dựng chủ yếu tập trung ở 5 xóm đặc biệt khó khăn, nằm cách xa trung tâm xã, tỷ lệ hộ nghèo của 5 các xóm đều chiếm gần 60%. Tuy nhiên, nhờ nhiều nguồn hỗ trợ và sự đồng lòng của nhân dân, năm 2020 xã đã hoàn thành 2 tiêu chí trên. Trong đó, một trong những nguồn lực quan trọng nhất chính là các chính sách dân tộc.
Theo đó, mỗi năm xã được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 để đầu tư hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất, máy móc, nước sinh hoạt, vay vốn cho hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 755 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn và Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Nhờ đó, trong 5 năm, xã Bình Long đã bê tông hoá được trên 3,5km đường trục xóm, liên xóm từ nguồn vốn Chương trình 135; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa xã giảm từ 60% năm 2016 xuống còn trên 24% cuối năm 2020.
Mục tiêu xã Bình Long và huyện Võ Nhai đặt ra là phấn đấu về đích NTM trong năm 2021. Để thực hiện mục tiêu này, trong năm nay, xã sẽ tiếp tục vận dụng và sử dụng hiệu qủa các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, thực hiện mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống người dân.