Đánh thức vùng cao

07:13, 17/04/2021

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên cây quế đang sinh trưởng, phát triển tốt trên đất Khe Rạc, xã Vũ Chấn (Võ Nhai). Dù là loại cây trồng mới nhưng quế đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây, góp phần đánh thức tiềm năng ở vùng đất từng được coi là “vùng lõm” của huyện Võ Nhai.

Dẫn chúng tôi đi thăm những đồi quế xanh mát, tỏa hương thơm ngào ngạt, anh Triệu Tiến Quý, người đầu tiên đưa cây quế về trồng trên đất Khe Rạc chia sẻ: Trong thời gian đi làm thuê tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), tôi được biết nhiều hộ trồng quế có mức thu nhập khá cao từ loại cây này, trong khi ở đây có địa hình, khí hậu tương tự với quê mình.

Do đó, tôi đã dành thời gian tìm hiểu và được người dân chia sẻ nhiều kiến thức về cây quê, đặc biệt là cách trồng và chăm sóc loại cây này. Đến năm 2012, tôi quyết định bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua 10kg hạt quế giống về ươm. Sau 2 tháng ươm cây giống, tôi đã trồng gần 1ha quế với hơn 4.000 cây trên diện tích đất rừng của gia đình, số cây giống còn lại tôi bán lại cho 5 hộ dân khác trong xóm cùng trồng.

Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, dễ chăm sóc nên cây quế sinh trưởng, phát triển rất tốt, sau gần 10 năm, đường kính của cây đã đạt trung bình khoảng 30 cm và có thể cho thu hoạch. Vừa qua 1ha quế gia đình anh Quý thu được 5 tấn vỏ, 6 tấn lá và 40m3 gỗ, với giá bán 20.000 đồng/kg vỏ, 700.000 đồng/m3 gỗ và 1.100 đồng/kg lá, gia đình anh thu về trên 144 triệu đồng. Trước đó, cách đây 4 năm, khi tiến hành khai thác tỉa thân, cành, lá của một số cây to, gia đình anh thu được 60 triệu đồng. Vừa trồng vừa mở rộng diện tích, đến nay gia đình anh Quý đã có 7ha quế có tuổi đời từ 3-9 năm.

Không chỉ có gia đình anh Quý mà hiện nay, tại xóm Khe Rạc đã có 48 hộ trồng quế với tổng diện tích trên 100ha. Anh Triệu Đức Hồng, Trưởng xóm Khe Rạc cho biết: Xóm hiện có 61 hộ với hơn 300 nhân khẩu, trong đó có 59 hộ là người dân tộc Dao và 2 hộ người dân tộc Tày. Nhận thấy lợi ích kinh tế của cây quế đem lại nên nhiều người dân trong xóm đã chuyển đổi những diện tích đồi trồng ngô, sắn hay cải tạo những diện tích đất bỏ hoang sang trồng quế. Cây quế bắt đầu phát triển mạnh trên đấ Khe Rạc từ 6 năm trở đây. Các hộ dân khi có nhu cầu trồng đều nhờ anh Quý lấy giống từ tỉnh Yên Bái về, còn các sản phẩm từ quế sau khi thu hoạch cũng được anh Quý trực tiếp thu mua và vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo người trồng quế ở Khe Rạc, ít có loại cây trồng nào ở đây lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, thân, lá đều có thể bán được. Nếu như các loại cây lâm nghiệp khác đang được trồng lâu nay như: keo, bạch đàn,… cho thu hoạch một lần duy nhất sau từ 6 đến 10 năm thì cây quế lại cho người dân khai thác tỉa nhiều lần từ năm thứ 5 trở đi đến khi được thu hoạch toàn bộ vào năm thứ 15. Nhờ vào cây quế, nhiều hộ ở xóm Khe Rạc đã thoát nghèo và có cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Đến nay, xóm chỉ còn 15 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo (giảm 30 hộ nghèo, cận nghèo so với năm 2016).

Ông Ma Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Chấn cho biết: Mặc dù xã có đến trên 3.300ha đất rừng sản xuất, tuy nhiên, trước đây tiềm năng này chưa được tận dụng. Người dân chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất đồi rừng nhưng sau một số vụ canh tác, năng suất, sản lượng cũng như giá cả bấp bênh, nhiều hộ để đất không cho cỏ dại mọc. Việc người dân tại xóm Khe Rạc đưa cấy quế vào trồng không những đã khắc phục được tình trạng trên mà còn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Với hiệu quả bước đầu tại Khe Rạc, xã đã xác định đây là mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán canh tác của đồng bào. Do vậy, trong thời gian tới, xã sẽ nghiên cứu phương án đưa cây quế vào kế hoạch sản xuất hàng năm, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng quế. Bệnh cạnh đó, địa phương sẽ phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện để tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con nhân dân nhằm nâng cao chất lượng trồng quế sản xuất.