Đầu tư hạ tầng thương mại nông thôn

09:53, 14/04/2021

Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Đồng Hỷ đã quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa các chợ nông thôn trên địa bàn. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn.

Chợ Quang Trung thuộc xóm Quang Trung, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) có diện tích trên 7.000m2, thu hút khoảng 300 hộ kinh doanh buôn bán. Đây không chỉ là nơi kinh doanh hàng hóa của người dân xã Nam Hòa mà còn của cả bà con các xã lân cận, như: Linh Sơn, Đồng Liên (T.P Thái Nguyên), Văn Hán, Trại Cau (Đồng Hỷ)... Chị Lục Thị Mai, người dân kinh doanh tại chợ bộc bạch: Tôi bán thịt lợn ở chợ được khoảng chục năm nay. So với trước đây, chợ Quang Trung đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Nền chợ cao ráo, lối vào thông thoáng, các khu vực buôn bán được phân chia rõ ràng. Vì vậy, bà con không ngại khi vào chợ mua bán như trước, việc kinh doanh của cũng thuận lợi hơn.

Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương đã đã được đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa một số hạng mục trong chợ Quang Trung. Nhờ vậy, chợ đã thu hút được thêm người dân các địa phương đến, kinh doanh buôn bán và mua sắm. Nếu như trước đây, trong chợ chỉ có hơn 100 ki ốt của Nhà nước thì nay đã có thêm 100 ki ốt do tư thương tự đầu tư để kinh doanh. Các mặt hàng buôn bán nhờ vậy cũng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp ở nông sản địa phương.

Cũng như chợ Quang Trung, năm 2017, khi được huyện Đồng Hỷ cấp kinh phí gần 1tỷ đồng, xã Khe Mo đã đầu tư san nền, xây dựng đường vào, tường rào và nhà đình chợ để phục vụ cho người dân kinh doanh buôn bán. Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay: Chợ Khe Mo họp theo phiên, vào các ngày 5 và 10 hàng tháng. Do đó, mỗi khi đến phiên chợ là các mặt hàng nông sản, đặc biệt là chè búp khô - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được người dân đem đến giao thương. Việc đầu tư, sửa chữa chợ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kinh doanh mà còn giúp các tiểu thương, người dân đều tập trung buôn bán trong khuôn viên chợ, tránh tình trạng bán hàng ven đường, lấn chiếm hành lang giao thông như trước đây.

Huyện Đồng Hỷ hiện có 11 chợ, toàn bộ là chợ hạng III. Thời gian qua, để thuận tiện cho người dân trên địa bàn kinh doanh buôn bán, huyện đã tranh thủ các nguồn vốn (từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới...) để đầu tư xây dựng, sửa chữa các chợ trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa 5 chợ nông thôn, gồm: chợ Trại Cài (xã Minh Lập), chợ Quang Trung (xã Nam Hòa), chợ xã Hòa Bình, Khe Mo và Cây Thị, với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Theo đánh giá, hầu hết các địa phương sau khi được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa chợ nông thôn đều làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động của các hộ kinh doanh, tiểu thương. Từ đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Phạm Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ thông tin: Hằng năm, Phòng đều rà soát hạ tầng các chợ trên địa bàn. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, chúng tôi báo cáo UBND huyện cân đối nguồn vốn để đầu tư sửa chữa hoặc xây dựng. Việc đầu tư xây dựng, sửa chữa các chợ không chỉ tạo điều kiện để người dân giao thương mà còn góp phần xóa các điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng, lề đường gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc đầu tư này còn góp phần giúp các địa phương hoàn thiện tiêu chí Chợ nông thôn trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đánh giá, hiện các chợ trên địa bàn huyện đều đáp ứng tốt nhu cầu buôn bán trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản của người dân.