Trong phiên giao dịch 22-4, giá vàng thế giới rời khỏi mức cao nhất trong hai tháng qua, khi đồng USD mạnh lên.
Giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.781,46 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 25/2 là 1.797,67 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 0,6% và khép phiên ở mức 1.782 USD/ounce.
Edward Meir, chuyên gia phân tích của công ty ED&F Man Capital Markets, cho biết cả đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 của Mỹ năm đều tăng lên đôi chút, từ đó gây áp lực lên giá vàng.
Đồng USD tăng 0,2% so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong phiên là 1,587%, dù vẫn chỉ dao động trong biên độ hẹp. Giá vàng đã giảm 6% trong năm nay tính đến thời điểm này, chủ yếu là do áp lực từ đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Bên cạnh đó, sức hút của vàng còn giảm đi trước số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước của Mỹ đã giảm xuống, qua đó củng cố những đồn đoán rằng số việc làm của nước này lại tiếp tục tăng lên trong tháng Tư.
Tuy nhiên, Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, nhận định các lực cản với giá vàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, khi mà nhu cầu đối với vàng vật chất đang gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Thụy Sỹ hồi tháng Ba đã ghi nhận lượng vàng xuất khẩu theo tháng cao nhất trong 10 năm qua, khi xuất khẩu vàng sang Ấn Độ tăng mạnh. Nhưng triển vọng này đã phần nào bị mờ đi trước số ca nhiễm COVID-19 tăng cao kỷ lục tại quốc gia này.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 1,8% xuống 26,10 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1% và được giao dịch ở mức 1.202,12 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 22-4, giá vàng SJC niêm yết tại thị trường Hà Nội của Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn ở mức 55,48 - 55,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).