Trận lũ ống diễn ra bất ngờ vào rạng sáng 22-4 đã gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của một số hộ dân ở xã Quân Chu và thị trấn Quân Chu (Đại Từ), rất may không có thiệt hại về người. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cùng với lãnh đạo huyện Đại Từ có mặt tại hiện trường, chỉ đạo huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Vừa nhanh tay lau rửa bàn ghế, giường, tủ bị nước ngập bám đầy bùn đất, bà Nguyễn Thị Xuyến, một hộ dân ở tổ dân phố Khu vực nhà máy, thị trấn Quân Chu bàng hoàng nhớ lại: Khoảng 5 rưỡi sáng, tôi chợt tỉnh giấc và thấy nước đã tràn vào nhà, ngập đến qua đầu gối. Do cơn lũ ống đến bất chợt nên chúng tôi không kịp trở tay, chỉ vội đi tránh ở các nhà không bị ngập. Đến tầm hơn 7h, cơn lũ đi qua, tôi mới trở lại nhà và thấy các vật dụng sinh hoạt của gia đình như: tủ lạnh, tivi, giường, chiếu, bàn ghế… đều bị ngập nước, lấm lem bùn đất. Được sự giúp đỡ của lực lượng dân quân tự vệ và bà con lối xóm, đến 17h chiều cùng ngày, cơ bản ở nhà tôi đã được dọn dẹp sạch sẽ. Tuy nhiên, 2 thiết bị là tivi và tủ lạnh đã bị hỏng không thể sửa chữa.
Lực lượng dân quân thị trấn Quân Chu (Đại Từ) giúp người dân vệ sinh nhà cửa, đồ đạc.
Còn chị Triệu Thị Hoa, ở tổ dân phố Dân Sinh, thị trấn Quân Chu chia sẻ: Trận lũ ống xảy ra vào rạng sáng chứ vào ban đêm thì hậu quả rất khó lường. Lũ ống quét qua khiến hơn 1 sào lúa của nhà tôi bị đổ rạp. Trong buổi sáng 22-4, tôi đã ra đồng khơi thông dòng chảy và dựng lại lúa.
Được biết, trận lũ ống diễn ra từ lúc 5h30' đến 7h sáng 22-4 đã khiến thị trấn Quân Chu bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể, hai bên tả luy cầu Khuôn Gà đã bị lũ phá hỏng; cầu suối Liếng và tràn Chè Đen đã bị hỏng 1 phần nền đường; cầu tổ dân phố số 5 bị phá hỏng 1 bên ta-luy. Ngoài ra, lũ ống cũng làm đổ 25m tường rào Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Quân Chu, nhà hiệu bộ có nguy cơ bị sụt. Toàn thị trấn có 15 hộ dân bị ngập úng cùng nhiều vật dụng như: ti vi, xe máy, máy giặt, tủ lạnh, động cơ bị hư hỏng. Còn tại xã Quân Chu, 200m đường đất đã bị hỏng; sạt lở đất đá xuống đường giao thông nông thôn với chiều dài 430m; toàn bộ đập Cây Kháo, xóm Hòa Bình bị hư hỏng; 80m kênh mương bị sạt lở.
Biển cảnh báo nguy hiểm đã được lực lượng chức năng cắm tại đầu cầu trên tuyến đường liên xã Cát Nê - Quân Chu để người dân cảnh giác khi tham gia giao thông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Ánh, Chủ tịch UBND thị trấn Quân Chu cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chúng tôi đã huy động lực lượng tại chỗ túc trực ở các điểm sung yếu và cắm biển cảnh báo, không cho người dân qua lại các cây cầu bị sạt lở. Đồng thời, hỗ trợ bà con nhân dân quét dọn nhà cửa, bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt để sớm ổn định cuộc sống.
Với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, đến 18h ngày 22-4, cơ bản các hộ dân có nhà bị ngập úng đã dọn dẹp xong nhà cửa, trở lại sinh hoạt bình thường. Điện lực Đại Từ cũng đã khẩn trương khắc phục sự cố đổ cột điện và cấp điện trở lại cho bà con. Cùng với việc khắc phục sự cố, huyện Đại Từ cũng đang tập trung thống kê, báo cáo tình hình thiệt hại.
Tại buổi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả trận lũ ống diễn ra vào ngày 22-4, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp đến nhà một số hộ dân bị ảnh hưởng hỏi thăm tình hình, động viên bà con sớm ổn định sinh hoạt. Đồng chí nhấn mạnh, huyện Đại Từ cần phối hợp với ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân xảy ra lũ ống để có giải pháp ứng phó trong mùa mưa. Đặc biệt, nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo nên vào mùa mưa, không chỉ riêng thị trấn Quân Chu, xã Quân Chu mà một số địa phương khác trong huyện cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét. Vì vậy, huyện Đại Từ cần tiến hành rà soát và sớm có phương án di dời các hộ nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân.
Bước vào mùa mưa bão, không chỉ riêng Đại Từ mà các địa phương khác trong tỉnh đều có thể xảy ra các hiện tượng như: sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét, ngập úng… Vì vậy, các địa phương chủ động theo dõi, cảnh báo thiên tai và chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Cùng với đó, người dân cũng cần theo dõi tình hình diễn biến thời tiết và có biện pháp chủ động trong sản xuất, sinh hoạt để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.