Ngày 29/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức Họp báo ra mắt 2 cuốn sách Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2021 và Lịch sử đồng tiền Việt Nam - hai công trình quan trọng chào mừng Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 - 6/5/2021).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam là công trình khoa học toàn diện đầu tiên về các mốc ra đời, đặc điểm, chất liệu và ý nghĩa kinh tế - xã hội của mỗi đồng tiền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử hơn 1.000 năm qua do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và cơ quan phát hành tiền của Chính phủ Việt Nam xuất bản.
Cuốn sách có cách tiếp cận mới - hệ thống tổng thể đồng tiền Việt Nam theo lịch đại và đồng đại. Cuốn sách cho thấy đồng tiền Việt Nam, ngoài giá trị tự thân còn là một vật chứng tin cậy, phản ánh trung thực, sinh động tình hình chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt từ năm 1945 đến nay, đồng tiền Việt Nam có thể được xem như là một nguồn tin/sử liệu quan trọng phản ánh sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Với 650 trang cùng toàn bộ hồ sơ khoa học của hơn 1.200 mẫu tiền, cuốn sách là một câu chuyện lịch sử hấp dẫn, làm nổi bật giá trị văn hóa đặc sắc của đồng tiền Việt Nam. Dù ở giai đoạn lịch sử nào, các đồng tiền đều là những tác phẩm nghệ thuật, in đậm dấu ấn tinh hoa, giá trị truyền thống riêng biệt, độc đáo của văn hóa Việt Nam. Đó chính là thành công của nhóm các tác giả biên soạn.
Về quá trình biên soạn, xuất bản cuốn sách Lịch sử đồng tiền Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, trong những năm qua, tiền Việt Nam luôn là một chủ đề thu hút sự quan tâm không chỉ của các nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm mà còn của nhiều tầng lớp nhân dân mong muốn tìm hiểu lịch sử phát triển, giá trị văn hóa và bản sắc của đồng tiền Việt Nam. Đã từng có nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước được công bố với những thành tựu nhất định song cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào mang tính hệ thống, bao quát toàn bộ tiền tệ Việt Nam trong lịch sử.
Vì vậy, để có cái nhìn toàn cảnh về đồng tiền Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - với vai trò là cơ quan của Chính phủ có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tiền tệ - đã chủ trì Dự án nghiên cứu khoa học cấp ngành về “Lịch sử đồng tiền Việt Nam - Quá trình hình thành và phát triển” với sự tham gia của gần 30 nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tàng và nhà sưu tập tiền trong nước.
Dự án này là đề tài nghiên cứu cấp Bộ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của ngành ngân hàng, được tiến hành một cách độc lập, khoa học, nghiêm túc, có nguồn tư liệu mang đậm dấu ấn lịch sử, công khai, chính thống, có căn cứ khoa học và độ tin cậy cao. Đối tượng nghiên cứu là các đồng tiền pháp quy được phát hành và lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 968) đến năm 2020.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu từ dự án này, Ngân hàng Nhà nước thực hiện biên soạn cuốn sách “Lịch sử đồng tiền Việt Nam” là sự hội tụ của hàng trăm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ cơ quan nghiên cứu về lịch sử, về tiền tệ trong cả nước; là kết quả của 5 năm nghiên cứu vô cùng công phu của nhóm tác giả.
Cuốn sách thứ 2 ra mắt là Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951-2021 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biên soạn và xuất bản. Đây là cuốn sách ghi lại đầy đủ những dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Ngân hàng 70 năm qua. Những thành tựu cơ bản, những bài học kinh nghiệm quý giá và đặc biệt là quá trình xây dựng, phát triển mạnh mẽ của hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã được ghi lại một cách chân thực, khách quan với nhiều hình ảnh, tư liệu sinh động, mang đến cho cuốn sách giá trị lịch sử to lớn.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở kế thừa cuốn sách Lịch sử ngân hàng Việt Nam 1951-2016, Ban soạn thảo đã tiến hành biên tập lại, đồng thời tiếp tục bổ sung các sự kiện đáng ghi nhớ, những thành tựu nổi bật của ngành ngân hàng giai đoạn 2016-2020. Các sự kiện quan trọng của ngành được thể hiện dưới nhiều hình thức như ý kiến chuyên gia; tóm tắt như một trường hợp cụ thể - case study; lồng ghép trực tiếp vào nội dung từng phần viết... với ngôn ngữ ghi chép lịch sử, minh họa bằng các biểu bảng, biểu đồ và hình ảnh đảm bảo tính khách quan, đa dạng và chân thực.