Năm 2020, giá trị kinh doanh thương mại - dịch vụ (TMDV) trên địa bàn huyện Định Hóa đạt 821,2 tỷ đồng, tăng trên 320 tỷ đồng so với năm 2016. Để có được kết quả này, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy TMDV phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Thanh Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Những năm qua, nhờ sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng giao thông, các tuyến đường huyết mạch không ngừng được xây dựng và cải tạo đã góp phần thúc đẩy việc giao thương, trao đổi hàng hóa, sản phẩm giữa Định Hóa với các huyện, tỉnh lân cận. Cùng với đó, mạng lưới giao thông nối liền các xã, thị trấn trong huyện đang từng bước được hoàn thiện cũng góp phần gia tăng giao thương hàng hóa giữa vùng sâu, vùng xa với khu vực đông dân cư, đô thị. Qua đó, hoạt động TMDV có điều kiện để phát triển, sức mua hàng hóa ngày một tăng cao. Trên địa bàn huyện hiện có 18 chợ truyền thống và trên 4.100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực TMDV, tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà hàng, dịch vụ vận tải, kinh doanh tạp hóa…
Nhằm thúc đẩy phát triển TMDV, những năm qua, huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành TMDV; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, trong đó ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tham gia các hoạt động kinh doanh TMDV trên địa bàn. Cùng với đó, huyện cũng làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Anh Nguyễn Anh Quang, Quản lý siêu thị Điện máy xanh chi nhánh huyện Định Hóa chia sẻ: Được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các thủ tục pháp lý, siêu thị bắt đầu phục vụ nhu cầu mua sắm về điện máy của người dân trong huyện từ năm 2016. Đến nay, siêu thị đã mở rộng và kinh doanh hàng nghìn mặt hàng. Mỗi tháng, siêu thị phục vụ trung bình khoảng 5-6 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm.
Thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, TMDV phục vụ du lịch huyện Định Hóa giai đoạn 2016-2020”. Trong 5 năm, huyện đã huy động được trên 114,2 tỷ đồng, trong đó, kinh phí từ ngân sách huyện là 19,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 925 triệu đồng, nguồn kinh phí khác trên 71 tỷ đồng (gồm kinh phí cải tạo nâng cấp lưới điện và kinh phí đóng góp của nhân dân). Cùng với nguồn vốn từ ngân sách, huyện đã huy động được 18,4 tỷ đồng để thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp 8 chợ nông thôn. Qua đó, hạ tầng các chợ được hoàn thiện và đi vào hoạt động đã góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Hàng năm, UBND huyện cũng tổ chức hội chợ thương mại hàng tiêu dùng, đưa các gian hàng của huyện đến các hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các hợp tác xã, làng nghề...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và khai thác có hiệu quả những nguồn lực, tiềm năng và thế mạnh của địa phương, những năm qua, hoạt động TMDV trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Việc giao lưu, trao đổi hàng hóa ngày càng được mở rộng, sản phẩm hàng hóa cũng như chất lượng các loại hình dịch vụ ngày càng được nâng cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện năm 2020 đạt trên 820 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cùng kì năm 2019, tăng 64% so với năm 2016. Hoạt động TMDV cũng tạo ra hàng nghìn việc làm cho các lao động trong lĩnh vực này, chủ yếu tập trung trong hoạt động bán buôn, bán lẻ với thu nhập bình quân ước đạt gần 7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh, hoạt động TMDV của Định Hóa vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Đơn cử như phát triển TMDV gắn với du lịch ATK Định Hóa vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là dịch vụ nhà hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, chưa có cơ sở lưu trú đáp ứng được nhu cầu khách du lịch. Các dự án đầu tư vào TMDV có quy mô lớn còn rất ít, đa phần vẫn là các điểm kinh doanh mang tính cá nhân, không tập trung, thiếu sự liên kết.
Do vậy, để đẩy mạnh phát triển TMDV, thời gian tới, ngoài việc chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phù hợp với thực tế của địa phương, huyện tiếp tục tăng cường quảng bá tiềm năng, lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này gắn với hoạt động du lịch, từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, pháp lý cho cá nhân, doanh nghiệp... phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị ngành TMDV giai đoạn 2020-2025 đạt từ 15%/năm trở lên, ngành TMDV sẽ chiếm trên 50% trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện vào năm 2025.