Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong mùa dịch bệnh COVID-19

16:11, 28/04/2021

Quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ đang có những bước phát triển ấn tượng, mạnh mẽ. Theo đó, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi đó Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản) về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ trong năm 2020.

Ngày 28-4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng thời cơ hợp tác vàng sau COVID-19” nhằm tìm ra giải pháp giúp doanh nghiệp Việt đưa hàng hóa xuất khẩu qua Mỹ.

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc ITPC, Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác, trong đó Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế đối tác hàng đầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Ngoài ra, Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau. Việt Nam vẫn đang tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư cùng có lợi với Hoa Kỳ. Phía Hoa Kỳ cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam và khuyến khích các doanh nghiệp nước này thiết lập chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, mở rộng đầu tư, kết nối thị trường hai nước. Do đó, Hoa Kỳ là thị trường còn rất nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.

"Đặc biệt hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, trong khi nhiều quốc gia khác đang phải ứng phó với tình hình dịch bệnh bùng phát khó lường. Nắm bắt được “thời cơ vàng” này để đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khai thác hiệu quả thị trường Hoa Kỳ sẽ là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá trong thời gian tới", ông Nguyễn Hữu Tín cho biết thêm.

Tương tự, bà Nguyễn Bá Thiên Thư, Trưởng đại diện Công ty Registrar Corp cho biết, FDA là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của chính phủ Hoa Kỳ với hai vai trò chính là “người giữ cổng” và “cảnh sát”. Trong vai trò “người giữ cổng”, FDA thực hiện cấp giấy phép cho những bộ phận quyết định về dược phẩm, thiết bị y tế, phụ gia thực phẩm… phù hợp với thị trường. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, thường dành cho sản phẩm đầu vào của công chúng và công nghiệp. Còn trong vai trò “cảnh sát”, FDA được quyền đặt ra các quy định và thực hiện thanh tra việc tuân thủ các quy định đó; đồng thời phát hành những “thư cảnh cáo”, kết hợp bắt giữ cùng với hải quan, khởi tố tội phạm.

"Vì vậy, muốn được hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký số FDA theo quy định với các điều kiện như sau: đăng ký số FDA không được sử dụng cho mục đích quảng cáo; không được sử dụng logo của FDA trên các sản phẩm thực phẩm/thực phẩm chức năng; FDA sẽ không thanh tra cơ sở trước khi cấp số đăng ký, tuy nhiên các cơ sở nộp hồ sơ đăng ký cần đồng ý việc thanh tra hậu kiểm của FDA; đăng ký số FDA tại Hoa Kỳ phải được gia hạn bắt buộc vào các năm chẵn... Ngoài ra, doanh nghiệp cần tuân thủ những quy định ghi nhãn mới và Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của FDA", bà Nguyễn Bá Thiên Thư cho biết thêm.