Tiếp nối truyền thống của “quê hương” phong trào hợp tác xã

08:47, 10/04/2021

Thái Nguyên, trung tâm vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa, được coi là “quê hương” hay “chiếc nôi” của phong trào hợp tác xã (HTX) bởi là nơi ra đời của những đơn vị kinh tế tập thể sớm nhất cả nước. Với truyền thống đó, phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan, lĩnh vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX của tỉnh ngày càng có nhiều khởi sắc, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm phát triển HTX. Ngày 11/4/1946, Bác viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia HTX nông nghiệp (đăng trên Báo Cứu quốc số 229, ngày 01/5/1946). Trong đó có những đoạn: …“nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có hợp tác xã”, “… hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau”... “Hợp tác xã nông nghiệp giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”. Người kêu gọi: “Hỡi đồng bào điền chủ nông gia… hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi”.

Tháng 3-1948, HTX đầu tiên của cả nước ra đời tại Thái Nguyên – HTX Thủy tinh Dân Chủ. Ngay sau đó, một số HTX nông nghiệp cũng được thành lập ở huyện Đại Từ. Phong trào HTX từ đây phát triển mạnh mẽ khắp các vùng miền trong cả nước, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử đó và yêu cầu phát triển của khu vực KTTT, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-4 hàng năm là “Ngày Hợp tác xã Việt Nam”.

Cán bộ tín dụng của Quỹ hỗ trợ HTX (trực thuộc Liên minh HTX tỉnh) thẩm định trước khi cho một đơn vị KTTT vay vốn ưu đãi.

Cán bộ tín dụng của Quỹ hỗ trợ HTX (trực thuộc Liên minh HTX tỉnh) thẩm định trước khi cho một đơn vị KTTT vay vốn ưu đãi.

Cùng với dòng chảy của lịch sự và sự phát triển của phong trào HTX cả nước, khu vực KTTT của Thái Nguyên cũng không ngừng phát triển và ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị trí của mình. Toàn tỉnh hiện có trên 4.500 tổ hợp tác (THT) với hơn 73.000 thành viên và người lao động, riêng từ năm 2017 đến nay có 415 THT thành lập mới; có 583 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực với trên 42.000 thành viên và người lao động, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm trung bình có 72 HTX thành lập mới. Điểm đáng chú ý là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh phát triển khá mạnh và hiện có gần 400 đơn vị, đặc biệt là các HTX chè bởi đây cây trồng thế mạnh của Thái Nguyên.

Đến nay, tất cả các địa phương cấp huyện của tỉnh đều xây dựng được ít nhất 2 mô hình HTX điển hình tiên tiến, có nơi xây dựng được 5-7 mô hình, ở các lĩnh vực khác nhau cũng đều có HTX điển hình tiên tiến; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới có HTX hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong các đơn vị KTTT tăng trung bình khoảng 2 lần so với 5 năm trước… Những chỉ tiêu cơ bản đó đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Khu vực KTTT của tỉnh vì thế được Liên minh HTX Việt Nam đánh giá có những kết quả nổi bật hơn nhiều địa phương khác, nhất là công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến, việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ THT, HTX.

Để có được những kết quả đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng trước hết là bởi khu vực KTTT luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện của các cấp, ngành liên quan. Cùng với triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương về KTTT, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế hỗ trợ thiết thực (Thái Nguyên thuộc số ít tỉnh có Đề án phát triển KTTT với những cơ chế, giải pháp cụ thể). Các giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng, tín dụng, phát triển hạ tầng, ứng dụng khoa học – công nghệ, thu hút nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại thường xuyên được quan tâm triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả… Và một yếu tố không thể không nhắc đến đó là bề dày truyền thống của kinh tế HTX tỉnh, “chiếc nôi” của phong trào HTX cả nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của KTTT cả nước hiện nay, khu vực KTTT Thái Nguyên còn không ít khó khăn, hạn chế, yếu kém, rất dễ “tổn thương” trong cơ chế thị trường. Vì vậy, KTTT mà nòng cốt là các HTX cần tiếp tục được hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để từng bước lớn mạnh, đứng vững hơn. Xuất phát từ yêu cầu đó, tỉnh đã ban hành Đề án phát triển KTTT giai đoạn 2021-2025 (tiếp nối Đề án từ những giai đoạn trước). Trong đó, mục tiêu chung được xác định là đẩy mạnh củng cố, nâng cao năng lực tổ chức và hoạt động của khu vực KTTT; tập trung nguồn lực hỗ trợ nhằm cải thiện chất lượng, giá trị sản phẩm của các HTX; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị KTTT với nhau và với tổ chức khác. Cùng với đó, hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đề ra để tiếp sức cho KTTT trong giai đoạn mới.