Từng là xã đặc biệt khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự cố gắng nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, những năm gần đây, xã Yên Lãng (Đại Từ) đã không ngừng có những bước tiến đáng kể. Hiện, xã đang tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu phát triển đô thị trên địa bàn.
Xã Yên Lãng là cửa ngõ của huyện Đại Từ, nằm bám Quốc lộ 37, tiếp giáp với tỉnh Tuyên Quang, từng là xã đặc biệt khó khăn của huyện. Nhưng những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự nỗ lực của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân, Yên Lãng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Một trong những đổi thay của xã là cơ sở hạ tầng ở địa phương được quan tâm xây dựng. Đồng chí Lưu Quyết Thắng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Khoảng gần chục năm trước, hầu hết đường nội xóm của xã đều là đường đất, khi ấy chúng tôi đi cơ sở rất vất vả. Nhất là khi trời mưa, đường lầy lội trơn trượt, mỗi lần xuống xóm là cả người và xe lấm lem bùn đất. Rồi nghĩ đến sự nhọc nhằn vất vả của người dân hằng ngày phải đi lại trên những con đường ấy mà buồn. Nỗi buồn ấy đã lùi về quá khứ, đường sá lần lượt được mở rộng, đổ bê tông sạch sẽ.
Có được điều này là nhờ Đảng bộ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia hiến đất, đóng góp ủng hộ công lao động, tiền của để xây dựng các công trình. Trong vòng 5 năm trở lại đây, xã đã thực hiện xây dựng 58 công trình, với trên 24km đường giao thông; gần 1,5km đường nội đồng; trên 6km kênh mương. Tổng mức đầu tư cho xây dựng các công trình này là trên 80,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ bằng xi măng là trên 8,4 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 9,3 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 12 tỷ đồng; vốn 135 là trên 5,5 tỷ đồng; vốn ATK trên 6,7 tỷ đồng; nguồn nông thôn mới gần 6,7 tỷ đồng…
Sự thay đổi lớn nhất ở Yên Lãng là đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân ở đây vốn chủ yếu là làm nông nghiệp, thế nhưng do địa hình nhiều đồi núi, đất đai ít màu mỡ, nên trước đây đời sống rất khó khăn. Sau khi phân tích rõ những điểm mạnh, điểm yếu, đặc điểm tình hình từng xóm, Đảng bộ xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả, tập trung đầu tư phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Xác định cây trồng mũi nhọn chính là cây chè, xã đã có nhiều giải pháp để phát triển cây chè, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã có 317ha chè, mỗi năm xã trồng mới, trồng thay thế được khoảng 20ha, nhiều diện tích được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, xã có 2 làng nghề chè truyền thống là: Cầu Trà và Yên Từ. Ngoài ra, trên địa bàn có 3 tổ hợp tác đăng ký sản xuất chè theo hướng hữu cơ với 91 hộ tham gia. Nhờ đó, năng suất, chất lượng chè của địa phương ngày càng được nâng cao, năng suất bình quân đạt 118 tạ/ha.
Cùng với cây chè, xã đẩy mạnh việc đưa các loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao vào trồng. Đến mô hình trồng bưởi của gia đình ông Nông Thế Phận, xóm Dựa, nhìn ngắm những cây bưởi, cam xanh mướt mát đầy sức sống, ít ai tin rằng, đây từng là bãi chè trung du bị ông bỏ bê những năm trước. Ông Phận cho biết: Trước, vì diện tích này toàn là chè giống cũ, năng suất thấp nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn, sau đó qua tìm hiểu sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã phá bỏ chè để trồng bưởi diễn. Đến nay, gia đình đã trồng được 5 năm với hơn 50 gốc trên diện tích đất vườn tạp, mỗi năm trung bình hái được 2.000 - 3.000 quả, cho thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm, nhờ đó, kinh tế gia đình khấm khá lên nhiều.
Ngoài gia đình ông Phận, trên địa bàn xã còn có rất nhiều mô hình cây ăn quả cho thu nhập khá. Điều đặc biệt là, một số diện tích trồng cây ăn quả được triển khai trên diện tích đất trước đây là khu khai thác than của Công ty than Núi Hồng. Sau khi khai thác xong, xã đã đề nghị Công ty hoàn thổ và tổ chức quy hoạch giao lại cho các hộ dân sản xuất nhằm tăng diện tích sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Cùng với tập trung phát triển nông nghiệp, xã đã đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và hoạt động thương mại dịch vụ. Nhờ đó, từng bước đưa kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,59%, giảm 4,41% so với năm 2015.
Trước những đổi thay từng ngày của địa phương, người dân trong xã đều phấn khởi cho rằng: Chủ trương, đường lối của Đảng là đúng đắn, việc xây dựng nghị quyết của địa phương đã sát với tình hình, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó, các tầng lớp nhân dân đều nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Đây chính là những điều kiện cần để xã thực hiện các bước phát triển đô thị trong tương lai.