Với đặc thù địa bàn rộng, đường điện kéo dài qua nhiều đồi núi hiểm trở, địa hình bị chia cắt mỗi khi có mưa lũ nên công tác quản lý, vận hành hệ thống điện trên địa bàn huyện Đại Từ gặp nhiều khó khăn. Để đảm vận hành lưới điện an toàn trong mùa mưa bão, Điện lực Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động ứng phó với mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Trận mưa lớn, lũ quét cuối tháng 4 vừa qua trên địa bàn thị trấn Quân Chu không chỉ gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu của người dân mà còn ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện. Cụ thể, 5 cột điện bị gẫy, một số thiết bị điện kèm theo như dây dẫn, hòm công tơ, router… cũng bị mưa lũ cuốn trôi theo, tổng thiệt hại gần 30 triệu đồng. Đồng thời, gây gián đoạn hoạt động cấp điện tại địa phương. Ngay sau khi nhận được thông tin từ người dân, Điện lực Đại Từ đã bố trí lực lượng xuống hiện trường kiểm tra, khắc phục sự cố. Chỉ sau 4 giờ xử lý, điện được cấp ổn định trở lại tại khu vực này.
Để có thể kịp thời xử lý, khắc phục nhanh chóng sự cố như vậy, ngay từ đầu năm, Điện lực Đại Từ đã xây dựng, triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, đưa ra các tình huống cụ thể có thể xảy ra, cách xử lý và phương án cắt điện khi có thiên tai, bão lụt theo từng khu vực.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ma Đình Chung, Giám đốc Điện lực Đại Từ cho biết: Phần lớn các đường dây và trạm biến áp do đơn vị quản lý là nằm trên những đồi núi cao nên nguy cơ xảy ra sạt, lở đất ở các chân cột dẫn đến đổ cột, đứt dây là rất cao. Ngoài ra, đường giao thông ở một số khu vực còn khó khăn nên việc huy động nhân lực, vật tư và di chuyển đến nơi xử lý sự cố mất khá nhiều thời gian. Do vậy, để tránh bị động trong xử lý các sự cố về điện trong mùa mưa bão, chúng tôi đã xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng, trang thiết bị như: Găng tay cách điện, phao cứu sinh, phao bơi, thuyền cao su, tiếp địa di động, máy phát điện, dây thừng…, tổ chức tập huấn kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, công nhân viên. Đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Điện lực cũng thường xuyên giữ thông tin liên lạc, sẵn sàng tham gia xử lý sự cố.
Cùng với các phương án xử lý cụ thể theo từng cấp độ, công tác cải tạo lưới điện, nâng cao chất lượng điện cung cấp cũng được ngành Điện chú trọng. Hàng năm, Điện lực Đại Từ đều kiểm tra, rà soát hệ thống đường dây, trạm biến áp để đề xuất Công ty Điện lực Thái Nguyên đầu tư, sửa chữa. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã có 15 trạm biến biến áp chống quá tải cùng hơn 7km đường dây trung áp, hơn 24km đường dây hạ áp tại 13 xã, thị trấn được lắp đặt. Ngoài ra, toàn bộ đường dây 22kV cấp điện cho các xã: Phú Thịnh, Phú Lạc, Đức Lương, Phúc Lương, Minh Tiến, Phú Cường cũng được đầu tư sửa chữa với tổng số vốn gần 10,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Toàn xã có trên 2.200 hộ với 8.300 nhân khẩu. Trước năm 2015, cả xã chỉ có 1 trạm biến áp, cột điện chủ yếu là cột tre, gỗ, dây điện trần rất nguy hiểm, đặc biệt là những ngày mưa lớn, có giông lốc. Những năm gần đây, được đầu tư của ngành Điện, trên địa bàn xã đã có 13 trạm biến áp được xây dựng, hệ thống cột, dây điện cũng dần được thay thế. Nhờ vậy, người dân có nguồn điện ổn định hơn để sinh hoạt, sản xuất.
Bên cạnh việc chủ động các phương án của đơn vị, Điện lực Đại Từ đã phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động cắt, tỉa những cây lớn, gần đường dây để đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định trong mùa mưa bão. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Điện lực Đại Từ đang nỗ lực đảm bảo vận hành an toàn, cung cấp điện tốt nhất cho sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất của các doanh nghiệp. “Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, người dân cũng cần tích cực hỗ trợ, tuân thủ các nguyên tắc sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Có như vậy, việc cung cấp điện trên địa bàn huyện mới có thể diễn ra ổn định, an toàn, nhất là trong mùa mưa bão”, ông Ma Đình Chung cho biết thêm.