T.P Thái Nguyên có 18/32 phường, xã nằm ven sông Cầu và sông Công. Trong mùa mưa bão, các địa phương ven sông thường đối mặt với lũ và tình trạng ngập úng cùng với một số hiện tượng thời tiết cực đoan như giông lốc, mưa đá. Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, T.P Thái Nguyên đã chủ động lập phương án cảnh báo, phòng, chống thiên tai ngay từ sớm.
Theo số liệu thống kê của UBND T.P Thái Nguyên, mùa mưa bão năm 2020, địa phương thiệt hại về tài sản trên 2 tỷ đồng do thiên tai. Trong đó, gần 1.000 công trình của các hộ dân bị hư hỏng, 19 điểm trường thiệt hại về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Mặc dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng nhiều diện tích hoa màu và hàng trăm ngôi nhà ven sông Cầu, sông Công bị ngập trong mỗi đợt mưa bão.
Ông Ngô Danh Thùy, Trưởng phòng Kinh tế T.P Thái Nguyên, đại diện cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) T.P Thái Nguyên cho biết: Để chủ động đối phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong năm nay, ngay từ đầu tháng 4, lãnh đạo T.P Thái Nguyên đã yêu cầu 32 phường, xã trên địa bàn triển khai, kiện toàn ban chỉ huy, xây dựng phương án, củng cố lại các đội xung kích PCTT&TKCN. Hiện, thành phố đang có trên 40 đội xung kích PCTT&TKCN thuộc các đơn vị, phường, xã với gần 3.000 thành viên. Đối với các xã, phường ven sông, lực lượng xung kích PCTT&TKCN, hằng năm đều được tập huấn các thao tác lái xuồng, xử lý tình huống trên sông nước để ứng cứu với những trường hợp phát sinh nguy hiểm có thể xảy ra.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cũng đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi, Hạt quản lý đê thành phố kiểm tra hệ thống đê, kè, cống tiêu nước dưới đê; các cống tiêu nước nội đồng, hành lang thoát lũ khu vực trung tâm trước mùa mưa bão để kịp thời tu bổ, sửa chữa một số đoạn đê hỏng hóc, xuống cấp. Trong công tác PCTT&TKCN, T.P Thái Nguyên đề cao chế độ trực, thông tin báo cáo. Theo đó, khi có thông tin về áp thấp nhiệt đới, bão, giông lốc, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố sẽ kích hoạt chế độ trực 24/24 giờ, thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên qua điện thoại, tin nhắn. Đối với xã Phúc Hà, địa phương chịu ảnh hưởng của khu vực đổ thải mỏ than Khánh Hòa, lãnh đạo UBND thành phố đã chỉ đạo xã xây dựng riêng kịch bản sơ tán tài sản và người dân khi cần thiết.
Nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng tại khu vực nội thành, thời gian qua, T.P Thái Nguyên cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nạo vét, khơi thông gần 3.000m2 kênh mương thiết kế cống hộp, cống ngầm; đầu tư, sửa chữa, cải tạo trên 1.700m mương thoát nước; thay thế mới 600 tấm đan cống hộp; xây 41 hố ga thu nước mặt đường và thay thế 37 tấm gang sập hoặc hư hỏng trên một số tuyến đường…
Với sự chuẩn bị tích cực, T.P Thái Nguyên đang thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN trên tinh thần chủ động. Qua nhiều năm trực tiếp tham gia công tác PCTT&TKCN trên địa bàn, ông Ngô Danh Thùy cũng cho rằng, mặc dù chuẩn bị mọi phương án, tình huống giả định PCTT&TKCN kỹ lưỡng đến đâu, nhưng thiên tai thường xảy ra bất ngờ, khó đoán định nên các đơn vị phường, xã cần thường xuyên nắm sát thông tin tình hình thời tiết, những diễn biến bất thường để đề cao cảnh giác. Khi xảy ra mưa bão cần thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt việc huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, hiệp đồng tác chiến phải được đặt lên hàng đầu.