Tại các cuộc họp của ngành chức năng trong tỉnh, nguyên nhân chậm thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý đã xác định có nguyên nhân chủ quan như chưa kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của tỉnh; chậm trình phương án cổ phần hóa doanh nghiệp đến cấp có thẩm quyền; việc xác định giá trị doanh nghiệp triển khai chưa nghiêm túc, hiệu quả... Do vậy, đã dẫn đến việc thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh quản lý không đáp ứng được kế hoạch của Chính phủ; ảnh hưởng trực tiếp tới công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 4 Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ gồm: Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ. Cùng với đó còn một số công ty cổ phần nhưng Nhà nước nắm giữ cổ phần dưới 50% cần phải thoái vốn theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo lộ trình của Chính phủ, trong năm 2020, tỉnh ta phải thoái vốn đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thoái vốn của hai đơn vị này đều chậm so với kế hoạch. Cụ thể, đối với Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên hoạt động kém hiệu quả, một số lĩnh vực bơm hút, xử lý nước thải dừng hoạt động do sự cố cháy hệ thống điện của máy bơm từ tháng 8-2019 (chưa được nhà thầu sửa chữa vì vẫn trong giai đoạn bảo hành). Một số nhiệm vụ chuyên môn Công ty này được cấp có thẩm quyền giao thực hiện cũng không được thường xuyên và ổn định nên người lao động thiếu việc làm, thu nhập. Từ đó dẫn đến việc thoái vốn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên còn có vướng mắc liên quan đến vấn đề nhân sự, xử lý tài chính, nhiều tài sản của dự án thoát nước thải cũng chưa được các đơn vị liên quan quyết toán...
Lý do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ cũng chưa thể thoái vốn đúng theo lộ trình là đơn vị này lúng túng trong quá trình xây dựng phương án tổng thể cổ phần hóa và phương án sử dụng lao động sau khi doanh nghiệp thoái vốn để trình UBND tỉnh phê duyệt, hoàn tất các thủ tục cho việc đấu giá. Một số diện tích đất và tài sản của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đại Từ đã từng giao khoán, hợp tác với các tổ chức, cá nhân có nguy cơ phát sinh tranh chấp vì chưa được giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ, việc cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp Nhà nước là các công ty cổ phần có vốn Nhà nước dưới 50% vốn điều lệ, bao gồm: Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Thái Nguyên, Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên, Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên cần phải đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay mới có Công ty CP Nước sạch Thái Nguyên tiến hành thoái vốn Nhà nước từ 42,27% xuống còn 36% và tiếp tục thoái vốn trong giai đoạn 2021-2025. Còn đối với Công ty CP Vật tư nông nghiệp Thái Nguyên và Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông Thái Nguyên lẽ ra phải hoàn thành trong 2020 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nên chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn.
Khó khăn nhất trong công tác thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý là các doanh nghiệp thiếu quyết liệt; một số thành viên Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa của tỉnh kiêm nhiệm nên sự kết nối, đôn đốc thực thi nhiệm vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhất là việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa của tỉnh còn chậm khi cán bộ nghỉ chế độ hoặc luân chuyển công tác; việc xác định giá trị doanh nghiệp còn có sự đùn đẩy, thiếu thống nhất... Mới đây, Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa của tỉnh tập trung cao độ cho nhiệm vụ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp để phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo, điều hành để các đơn vị thực hiện xong nhiệm vụ này trong năm 2021.