Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN), sau ba năm triển khai, Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho nông sản của nhiều địa phương. Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những kết quả đạt được, các địa phương cần nâng cao chất lượng, đổi mới, sáng tạo các sản phẩm để thu hút người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Lan tỏa những sản phẩm OCOP
Hà Nội là địa phương thực hiện Chương trình OCOP chậm so với cả nước (tháng 7-2019), nhưng đến hết năm 2020, thành phố đã tổ chức đánh giá và xếp hạng được 1.000 sản phẩm OCOP của 72 doanh nghiệp, 82 hợp tác xã (HTX) và 101 hộ sản xuất, kinh doanh. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhờ Chương trình OCOP, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động khu vực nông thôn với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.
Không chỉ có thành phố Hà Nội đi sau nhưng về đích sớm trong Chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp cũng được coi là địa phương có những thành công vượt trội khi chỉ vừa tham gia OCOP năm 2019, nhưng đã sớm sở hữu 161 sản phẩm từ ba sao đến bốn sao. Trong đó có bốn sản phẩm tiềm năng đang được hoàn tất hồ sơ đề nghị xếp hạng năm sao cấp quốc gia. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đây là tín hiệu khả quan, cho thấy chủ thể sản xuất là người dân và doanh nghiệp đã tiếp cận và hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chương trình OCOP. Đồng thời, là cơ sở để tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển OCOP giai đoạn 2, góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).
Không có nhiều lợi thế như Hà Nội và Đồng Tháp, là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng Bắc Kạn được biết đến là địa phương phát huy mạnh mẽ lợi thế của Chương trình OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành nguồn nội lực trong xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 29 xã đặc biệt khó khăn đã có sản phẩm OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, việc triển khai Chương trình OCOP thành công trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Nhiều thành viên của các chủ thể OCOP là hộ nghèo, đã thoát nghèo. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh còn liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 24,53% (năm 2017) xuống còn 18,51% (năm 2020).
Theo nguyên Bộ trưởng NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường, sau ba năm triển khai Chương trình OCOP, về tổng thể, đã tạo ra những đột phá về nhận thức sản xuất hàng hóa trong người dân, doanh nghiệp. Nhiều sản phẩm được gắn sao OCOP có chất lượng rất tốt, mẫu mã của sản phẩm vùng núi không kém gì các sản phẩm tinh xảo của miền xuôi, thậm chí là quốc tế. Số lượng các sản phẩm đạt ba sao trở lên có gần 4.500 sản phẩm cho thấy sự thành công của chương trình giai đoạn 1, chính là tiền đề, động lực cho OCOP giai đoạn 2.
Tạo đà cho OCOP
Theo Bộ NN và PTNT, để hỗ trợ sản phẩm OCOP, trong thời gian qua các địa phương đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với hơn 10 nghìn gian hàng; 1.016 hợp đồng, bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết. Trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị, nhất là Central Retail, Saigon Co.op, Mega Market... và một số siêu thị địa phương. Những hoạt động tạo đà cho OCOP nêu trên không chỉ góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương mà còn giúp người tiêu dùng trong nước và nước ngoài hưởng lợi từ những sản phẩm đạt chất lượng cao.
Ghi nhận tại tỉnh Hà Giang, để hỗ trợ địa phương thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh đã dành khoản kinh phí gần 40 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2020), hỗ trợ trực tiếp cho sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Giang đã có mặt tại hệ thống các siêu thị trong nước, như sản phẩm chè Shan tuyết (Trà xanh - hiệu Bà cụ và Hồng trà - hiệu Và cụ) của HTX Chế biến chè Phìn Hồ đã được bán trong hệ thống siêu thị Vinmart của Tập đoàn Vingroup. Ngoài những hỗ trợ trực tiếp về vốn, chính sách chung của tỉnh, mỗi địa phương cũng xây dựng cơ chế riêng để phát triển OCOP. Ghi nhận tại huyện Hoàng Su Phì, với quyết định mang tính đột phá, bố trí quỹ đất xây dựng gian hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm có diện tích hơn 30 m2 tại Trung tâm Thương mại huyện và tại km 17 (Nậm Ty) điểm dừng chân trên tỉnh lộ 177 (Bắc Quang - Xín Mần); trung bình mỗi gian hàng có hơn 100 mặt hàng được giới thiệu, bày bán.
Nỗ lực của địa phương trong phát triển OCOP đã trở thành nguồn động lực để các cơ sở sản xuất tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Theo Giám đốc HTX Tâm Trà Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) Hoàng Thị Tân, đơn vị sở hữu hai thương hiệu chè nổi tiếng đạt bốn sao là trà Đinh và trà Tôm nõn, để ổn định thương hiệu và phát triển thị trường, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, khép kín, sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về sản phẩm trà sạch, an toàn và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Hiện, HTX đang liên kết và sở hữu 39 ha chè. Trong đó 10 ha đang khai thác, và 29 ha đang trong giai đoạn chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Ước sản lượng đạt từ 15 đến 20 tấn/năm, cho giá trị khoảng 10 tỷ đồng/năm, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 29 xã viên và nhiều lao động thời vụ tại địa phương với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương triển khai hiệu quả, nhưng mới chỉ dừng lại ở những sản phẩm chủ lực của địa phương mà chưa có sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là các làng nghề truyền thống. Do đó, cần xây dựng các cơ chế mang tính đột phá nhằm thúc đẩy Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, từng bước đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ.
Theo số liệu từ Bộ NN và PTNT, cả nước hiện có 59/63 tỉnh, thành phố có 4.416 sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên. Trong giai đoạn 2018-2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai chương trình OCOP, trong đó: Ngân sách Trung ương 1,8%, ngân sách địa phương là 0,9%, vốn tín dụng: 76,6%, vốn lồng ghép: 3,9%... Đặc biệt, nguồn vốn của các chủ thể tham gia triển khai chương trình chiếm 16,5%.