Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập là cơ sở quan trọng góp phần giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, xã Dân Tiến (Võ Nhai) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng phát triển các mô hình đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao.
Xuất phát từ mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, dựa vào tình hình thực tế, hàng năm, Đảng ủy xã Dân Tiến đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế. Trong đó, coi trọng việc tuyên truyền để người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian qua, xã cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô gia trại, trang trại, phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển kinh tế.
Đồng chí Trần Lê Dũng, Chủ tịch UBND xã Dân Tiến thông tin: Đến nay, xã đã xây dựng được cánh đồng lúa một giống với tổng diện tích 150ha nằm trên địa bàn 4 xóm: Đồng Quán, Làng Chẽ, Phương Bá, Thịnh Khánh. Dự kiến trong vụ mùa năm nay, chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai mô hình với sự tham gia của hơn 100 hộ dân. Giống lúa được xã lựa chọn đưa vào sản xuất là Bao thai đặc chủng lâu đời tại địa phương với chất lượng gạo ngon nổi tiếng. Cùng với đó, xã cũng hình thành được vùng trồng ngô tập trung ở các xóm: Tân Tiến, Bắc Phong, Lân Vai, Đồng Rã.
Bên cạnh đó, những năm qua, xã Dân Tiến cũng tích cực vận động người dân chuyển đổi hơn 100ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như na, nhãn, bưởi... Ông Lê Văn Hạt, Trưởng xóm Đoàn Kết, xã Dân Tiến chia sẻ: Khoảng 6-7 năm trở lại đây, bà con trong xóm đã mở rộng diện tích trồng na. So với các vùng trồng na khác trong huyện, quả na trồng ở đất Dân Tiến có vỏ mỏng, vị ngọt đậm, mùi thơm, ít hạt. Chính các yếu tố đặc trưng này đã giúp quả na chúng tôi trồng ra ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Toàn xóm Đoàn Kết hiện có 170 hộ trồng na với tổng diện tích hơn 20ha. Na đã trở thành cây trồng đêm lại thu nhập cao cho người dân, trong đó, một số hộ dân có thu nhập từ trên 100 triệu đồng/năm từ cây na như: Ông Đỗ Văn Thái, Dương Văn Chương…
Không chỉ tại các xóm nằm ở trung tâm xã, ở các xóm bản đặc biệt khó khăn của xã Dân Tiến, bà con cũng tích cực thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất mới, đem lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững. Như trên thung lũng Lân Vai, đồng bào Mông đang dần thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Ông Hầu A Thành, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Lân Vai cho hay: Từ 3 năm trước, nhiều hộ dân trong xóm đã đăng ký tham gia mô hình trồng na trên đất dốc. Mặc dù hướng đi này còn khá lạ lẫm với tập quán canh tác của đồng bào nhưng người dân hoàn toàn tin tưởng rằng, na sẽ trở thành cây làm giàu cho người Mông ở Lân Vai.
Còn tại xóm Tân Tiến, Trưởng xóm Lê Quang Hưởng vui mừng: Nhận thấy cây keo và các loại cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho người dân ở nhiều địa phương nên người dân trong xóm đã học hỏi kinh nghiệm và chuyển dần diện tích trồng ngô sang trồng các loại cây này. Đến nay, xóm đã có khoảng 40ha cây ăn quả, trong đó có hơn 10ha nhãn bắt đầu cho thu hoạch với hiệu quả kinh tế khá tốt. Chúng tôi tin tưởng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh phát triển các mô hình trồng trọt, trong chăn nuôi, xã Dân Tiến khuyến khích các hộ phát triển theo hướng tập trung, áp dụng khoa học - kỹ thuật. Đồng thời, xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho người dân, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngoài phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Dân Tiến còn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động, khuyến khích phát triển các nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, như: Khai thác, chế biến gỗ, nghề mộc, cơ khí, sửa chữa…
Với những giải pháp cụ thể, phù hợp, đời sống của người dân trong xã không ngừng được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân đạt gần 34 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 10%. Chia sẻ về những giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới, đồng chí Trần Lê Dũng cho biết thêm: Xã tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông - lâm nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm…