Khoảng 5 năm trở về trước, xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng (Võ Nhai) được biết đến là xóm đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, diện tích đất canh tác hạn hẹp, tỷ lệ hộ nghèo cao… Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng nỗ lực của người dân, Ba Nhất hiện nay đã vươn lên thành một trong những xóm đi đầu của xã về phát triển kinh tế.
Con đường bê tông rộng rãi trải dài trên lưng núi, chạy qua những mái nhà xây kiên cố đưa chúng tôi đến xóm Ba Nhất. Ông Lý Tài An - người từng có gần 20 năm làm thôn đội trưởng, rồi trưởng xóm và là “già làng” chứng kiến nhiều đổi thay ở vùng đất này tiếp chúng tôi trong căn lán nhỏ là nơi bán hàng tạp hóa cũng là nơi ông ở để giúp xóm trông nom Nhà Văn hóa phía bên kia đường. Ông An chia sẻ: Trước đây, Ba Nhất được bà con gọi vui là xóm có “ba thứ nhất” gồm: Xa trung tâm nhất, đường đi khó khăn nhất và nhiều hộ nghèo nhất. Những năm 2000, xóm có tới 50-60% hộ nghèo, gần 10km đường trục chính qua trung tâm xóm vẫn là đường đất nhỏ hẹp, gồ ghề, đi lại khó khăn. Đến nay, được sự hỗ trợ của Nhà nước, toàn bộ đường trục chính trong xóm và đường liên xã qua xóm đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông, xóm cũng đã có điện lưới Quốc gia. Cả nhà văn hóa khang trang bên kia đường trị giá tới 700 triệu đồng cũng là do Nhà nước hỗ trợ để 210 hộ dân xóm Ba Nhất với hơn 900 nhân khẩu có nơi sinh hoạt cộng đồng.
Đặc biệt, một trong những hỗ trợ thiết thực nhất của Nhà nước đối với người dân Ba Nhất là về đất sản xuất. Trước đây, người dân trong xóm sống bằng nghề làm ruộng, chủ yếu là trồng ngô, trồng chè nhưng đất canh tác eo hẹp, hạn chế về khoa học kỹ thuật khiến năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Thời điểm những năm 2000, cả xóm chỉ có khoảng hơn 100ha ruộng và đất trồng màu cằn cỗi chia cho khoảng 180 hộ canh tác. Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Văn Sinh, Bí thư Chi bộ xóm Ba Nhất cho biết: Từ cuối những năm 2000, chủ trương giao rừng cho dân quản lý của huyện đã giúp người dân Ba Nhất được tiếp quản tới 1.500ha rừng, trong đó có trên 1.000ha rừng sản xuất. Với diện tích rừng sản xuất, bà con được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón để đầu tư trồng keo, mỡ.
Đến nay, sau hơn 10 năm phát triển kinh tế rừng, hàng chục gia đình ở Ba Nhất đã có nguồn thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo như các hộ: Triệu Đức Thắng, Đặng Hữu Sơn, Triệu Hữu Hưng…; trên 100 hộ khác đã phát triển thành hộ có thu nhập khá, trong đó có hộ thu nhập cả nửa tỷ đồng từ rừng mỗi năm như các hộ: Triệu Sinh Phượng, Đặng Văn Định, Triệu Văn Tiến, Triệu Phúc Tiến… Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Sinh Phượng bộc bạch: Gia đình tôi có gần 20ha rừng sản xuất. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, tôi thu được 300-500 triệu đồng từ bán gỗ. Nhờ phát triển kinh tế rừng, gia đình tôi đã xây được nhà khang trang, mua sắm được nhiều trang thiết bị hiện đại như: Ti vi, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ…
Song song với kinh tế rừng, người dân xóm Ba Nhất cũng đẩy mạnh phát triển cây chè. Xóm Ba Nhất đã xây dựng được làng nghề chè truyền thống, đồng thời đưa các kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, người làm chè ở Ba Nhất cũng được hỗ trợ để chuyển đổi hầu hết diện tích trong số gần 70ha chè trung du sang trồng chè lai cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn. Chị Triệu Thị Loan, người dân xóm Ba Nhất nói: Từ khi xây dựng được làng nghề truyền thống, giá trị chè thương phẩm tăng đáng kể, từ khoảng 70 nghìn đồng/kg lên 120 nghìn đồng/kg. Riêng từ cây chè, mỗi năm gia đình tôi có thể thu về khoảng 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo vào năm 2020.
Từ định hướng đúng trong phát triển kinh tế, hiện nay, 100% hộ dân xóm Ba Nhất đã xây dựng được nhà kiên cố, gần 100% hộ dân sắm được ti vi, xe gắn máy… Đặc biệt, hơn 10 hộ dân trong xóm đã mua được ô tô con, ô tô tải, máy xúc.. làm phương tiện phục vụ đi lại và sản xuất kinh tế. Hiện xóm chỉ còn 4 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội. Năm 2017, Ba Nhất đã được xét ra khỏi danh sách xóm đặc biệt khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Việt Bích, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thượng thông tin: Thành quả phát triển kinh tế, giảm nghèo của Ba Nhất hôm nay không chỉ đáp lại sự kỳ vọng của địa phương mà còn góp phần thiết thực cùng với xã Phú Thượng xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu.