Dồn lực để Bản Tèn thoát nghèo

10:32, 02/05/2021

Nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển, Bản Tèn (Văn Lăng, Đồng Hỷ) được mệnh danh là  xóm vùng cao và xa nhất của tỉnh. Đời sống của người dân nơi đây còn không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 93%. Giảm nghèo cho bà con nơi đây luôn là bài toán luôn được các cấp, ngành chung tay tìm lời giải.

Đồng chí Trương Công Hiền, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Nhà nước cần các có cơ chế hỗ trợ đặc thù trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, tránh việc người dân sản xuất ra nhưng không tiêu thụ sẽ dẫn đến hiệu quả của chương trình không được như mong muốn.

Anh Lý Văn Sỹ, Trưởng xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): Bà con xóm Bản Tèn mong muốn được phổ biến các kiến thức trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; được hướng dẫn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.

Bản Tèn là xóm người Mông đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Toàn xóm hiện có 141 hộ dân, với gần 600 nhân khẩu. Đời sống của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây lúa nhưng do canh tác ở địa hình đồi núi cao, không chủ động được nguồn nước tưới nên năng suất thấp. Hơn nữa, do vị trí địa lý nằm cách xã trung tâm xã nên bà con thường gặp khó trong việc tiêu thụ nông, lâm sản. Chỉ khoảng 5 năm trước, Bản Tèn vẫn được mệnh danh là xóm “3 không” (không điện, không đường bê tông, không sóng điện thoại). Đến nay, dù đã được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, kết nối với điện lưới Quốc gia... nhưng đời sống của người dân Bản Tèn vẫn còn rất khó khăn.

Để giúp người dân có cuộc sống tốt hơn, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm công tác giảm nghèo tại Bản Tèn, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Đồng Hỷ dự kiến sẽ triển khai xây dựng 7 tuyến đường trục xóm, ngõ xóm tại Bản Tèn với chiều dài gần 4km; thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp đường điện hạ thế, thay toàn bộ hệ thống đường dây dẫn từ sau công tơ tổng về các hộ dân; hỗ trợ về dạy nghề, giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho lao động trong độ tuổi tại Bản Tèn tìm được công việc phù hợp với khả năng của bản thân; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo đối với học sinh dân tộc Mông; chính sách về y tế và cấp thẻ bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm Y tế xã Vân Lăng; triển khai các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trơ xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý...

Đối với việc phát triển kinh tế, Đồng Hỷ hướng đến các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê, gà đặc sản…  và trồng các loại cây phù hợp với điều kiện địa phương như bí đỏ, bò khai, khoai tây, trám ghép… Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Qua khảo sát về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu ở Bản Tèn, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai 11 mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham mưu việc hỗ trợ người dân tập huấn các kiến thức ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện mô hình thí điểm giảm nghèo tại Bản Tèn giai đoạn 2021-2025 trên 8,7 tỷ đồng, trong đó, kinh phí đầu tư cho các mô hình trong nông nghiệp gần 3,5 tỷ đồng, còn lại là xây dựng cơ sở hạ tầng. Để thực hiện được mục tiêu trên, hiện nay, huyện Đồng Hỷ giao nhiệm vụ cho Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội; các phòng, ban chuyên môn phối hợp với xã Văn Lăng cùng vào cuộc tiến hành rà soát các hộ có đủ các điều kiện về đất đai, có nhu cầu, khát vọng vươn lên thoát nghèo để lập danh sách tham gia vào mô hình.

Anh Vương Văn Pá, người dân xóm Bản Tèn cho biết: Gia đình ít đất canh tác không thể trồng cây cối, hoa quả nên nếu được hỗ trợ, tôi mong muốn được hỗ trợ trâu hoặc bò sinh sản chăn thả hoặc nuôi tại chuồng để nhân giống. Tính ra, bình quân, mỗi năm, khi vật nuôi đẻ mà đem bán có thể thu được 25-30 triệu đồng. Như vậy chỉ vài năm là gia đình mình thoát nghèo.

Ông Đỗ Danh Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Mục tiêu của Đồng Hỷ là sẽ triển khai các giải pháp nhằm giúp người dân Bản Tèn thoát nghèo bền vững. Do đó, khi triển khai các mô hình phát triển kinh tế, huyện cũng chú trọng đến việc hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, Bản Tèn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Tại đây, hằng năm diễn ra Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông, điểm nhấn là vùng hoa tam giác mạch, đã thu hút nhiều du khách thập phương đến thăm quan. Qua đây, bà con có thể triển khai các hoạt động kinh doanh dịch vụ như: cho thuê chụp ảnh; giới thiệu những món ăn, trang phục đặc sản của dân tộc mình...Từ đó nhằm thực hiện kỳ vọng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải trong lần tới thăm bà con hồi tháng 1 đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và huyện Đồng Hỷ tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm được 30% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2021.