Sau 5 năm thực hiện, Thỏa thuận phối hợp về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Thái Nguyên với Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) và Hội Nông dân tỉnh đã tạo ra nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.
Thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ tháng 6-2016, Agribank Thái Nguyên cùng với Hội LHPN, Hội Nông dân tỉnh thực hiện ký kết Thỏa thuận phối hợp về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, Agribank Thái Nguyên có trách nhiệm phối hợp với 2 hội trên để tạo điều kiện giúp hội viên được vay vốn thông qua tổ liên kết ở các xóm. Về phía Hội LHPN và Hội Nông dân tỉnh có trách nhiệm hợp tác, giúp đỡ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng kỳ hạn; kịp thời thông tin, tuyên truyền về chính sách cho vay của Chính phủ và các quy định của ngành Ngân hàng…
Sau 5 năm thực hiện Thỏa thuận, toàn tỉnh có 136/178 xã, phường phát sinh cho vay qua tổ, với tổng số 1.616 tổ đang hoạt động, thu hút trên 33,6 nghìn thành viên; dư nợ đạt gần 3,6 nghìn tỷ đồng (tăng 41%); bình quân dư nợ/thành viên là 106 triệu đồng, tăng 32,7 triệu đồng so với cuối năm 2016). Nợ xấu luôn duy trì ở mức thấp. Sự hỗ trợ này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực đối với cả ngân hàng, các tổ chức hội cũng như người vay vốn.
Bà Thân Thị Quyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Bình chia sẻ: Vay vốn qua tổ liên kết giúp người vay không chỉ thuận tiện hơn về thủ tục, mà còn tiết kiệm được nhiều thời gian. Ví như việc trả lãi hằng tháng có thể thực hiện ngay tại UBND xã vào một ngày cố định, thay vì phải đến ngân hàng. Đặc biệt, đối với khoản vay dưới 200 triệu đồng (trước năm 2019 là dưới 100 triệu đồng), người vay không phải làm thủ tục đăng ký tài sản đảm bảo (vay tín chấp) nên đã hạn chế được tình trạng người dân phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng không chính thức, tín dụng đen với lãi suất cao. Qua đó, giúp nhiều hộ dân có thêm động lực để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Còn đối với ngân hàng, việc chuyển tải vốn đến người vay cũng được thực hiện nhanh hơn, hạn chế tình trạng quá tải đối với cán bộ tín dụng, cán bộ giao dịch, từ đó chất lượng phục vụ khách hàng được nâng lên.
Cùng với đó, chất lượng tín dụng được đảm bảo hơn do cùng có sự theo dõi, kiểm tra đôn đốc và phản ánh kịp thời tình hình người vay sử dụng vốn của các tổ. Với các tổ chức hội, nhờ nguồn hoa hồng được trích một phần từ tiền thu lãi của khách hàng nên cả chi hội và người tham gia trực tiếp tham gia đều có thêm kinh phí để hoạt động.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới (2021-2025), Agribank Thái Nguyên phấn đấu dư nợ cho vay qua tổ nhóm hằng năm tăng từ 7-8% trở lên; số thành viên vay qua tổ tăng từ 2-3% trở lên; tỷ lệ thu lãi đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,5%…
Để đạt được mục tiêu này, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Thỏa thuận, trong thời gian tới, Agribank Thái Nguyên chú trọng củng cố quy mô và chất lượng các tổ vay vốn; thực hiện giải ngân tại các điểm giao dịch lưu động tại các xã, phường, thị trấn để tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí đi lại cho tổ viên; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách, quyền lợi của người vay qua tổ…