Trong thời chiến, nhân dân xã Hợp Thành (Phú Lương) luôn đi đầu, đoàn kết, đồng lòng góp sức người sức của để chiến đấu đẩy lùi giặc ngoại xâm. Phát huy tinh thần đó, ngày nay, dưới sự chỉ đạo, định hướng của các cấp ủy, chính quyền, bà con xã Hợp Thành tiếp tục phấn đấu, nỗ lực tăng gia sản xuất, góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Vùng đất lịch sử
Nằm ở phía Tây của huyện Phú Lương, Hợp Thành là vùng đất đã diễn ra nhiều hoạt động và sự kiện trọng đại của dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong đó, điển hình là sự kiện Đại hội các Chiến sĩ thi đua và Cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại xóm Khuân Lân. Sau Đại hội, phong trào thi đua yêu nước đã có tác động mạnh mẽ trong việc động viên mọi lực lượng phục vụ tiền tuyến, thi đua giết giặc lập công, chiến thắng quân thù.
Không chỉ vậy, với địa hình chủ yếu là đồi núi; tổ chức Đảng, chính quyền vững mạnh, nhân dân một lòng tin theo Đảng và cách mạng, Hợp Thành đã được nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội lựa chọn là nơi đóng quân. Như trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trên địa bàn có Cục Công binh, Cục Dân quân, Cục Vận tải… Còn trong kháng chiến chống Mỹ, Hợp Thành tiếp tục đón một số đơn vị đến sơ tán, trú quân như: Trường Đại học Y Hà Nội, Cục Bản đồ…
Ông Lưu Đức Vũ, xóm Khuân Lân nhớ lại: Các cơ quan, đơn vị bộ đội về nơi đây đều được nhân dân trong xã quý mến, giúp đỡ chỗ ở, thực phẩm cần thiết, phối hợp bảo vệ an toàn cho các đơn vị, cán bộ cách mạng hoạt động trên địa bàn. Nhờ vậy, tình quân dân thời điểm đó rất gắn bó, thân thiết như trong một gia đình.
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân xã Hợp Thành còn rất tích cực xây dựng hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hợp Thành có ghi lại: Từ năm 1946 đến năm 1954, Hợp Thành có 49 thanh niên tham gia bộ đội; 35 người tham gia dân công hỏa tuyến; nhân dân đóng góp nhiều của cải, lương thực, thực phẩm phục vụ cho kháng chiến… Còn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, toàn xã có 121 thanh niên lên đường nhập ngũ, 85 người tham gia thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến; đóng góp cho tiền tuyến 426 tấn thóc và hơn 20 tấn lợn hơi và nhiều nhu yếu phẩm khác.
Với những đóng góp đó, Hợp Thành đã vinh dự được Đảng và Nhà nước công nhận là đơn vị “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân” trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; được Nhà nước tặng thưởng 112 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ các loại; 29 Huân, Huy chương Kháng chiến chống Pháp các loại…
Hợp Thành khởi sắc
Sau thời kỳ kháng chiến, Đảng bộ và nhân dân xã Hợp Thành tiếp tục nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng địa phương giàu mạnh. Ông Lương Hải Long, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Hợp Thành có xuất phát điểm là một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, sau thống nhất, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã đoàn kết, đồng lòng triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung vào 2 nhiệm vụ chính là xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Trồng cây lâm nghiệp kết hợp nuôi ong lấy mật giúp kinh tế gia đình ông Mai Tiến Quyền, xóm Tiến Thành ngày càng phát triển.
Theo đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đồng lòng, góp sức người, sức của xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là những công trình phục vụ dân sinh. Từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã có trên 6.000km đường giao thông được cứng hóa; xây dựng, sửa chữa hơn 2.300km kênh mương; xây mới, sửa chữa 9 nhà văn hóa; 99,9% số hộ sử dụng điện lưới Quốc gia…
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, xã cũng tập trung tuyên truyền, hỗ trợ vay vốn nhằm khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sang đầu tư phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương, như: Kinh tế đồi rừng; trồng lúa nếp Vải; nuôi ong lấy mật… Ngoài ra, xã cũng quan tâm thực hiện công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, xã tạo việc làm mới cho 66 lao động. Bằng những giải pháp đồng bộ, đến nay, đời sống nhân dân trên địa bàn đã từng bước được cải thiện.
Ông Mai Tiến Quyền, xóm Tiến Thành chia sẻ: Trước đây, đời sống của gia đình tôi rất khó khăn, lúng túng trong việc lựa chọn ngành nghề để phát triển kinh tế gia đình. Được sự tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền địa phương, khoảng năm 2010, tôi đã mạnh dạn cải tạo đất vườn tạp để chuyển sang trồng 2,5ha cây keo kết hợp với nuôi ong lấy mật. Năm 2018, tôi còn được hỗ trợ vật tư, ong giống và tập huấn khoa học kỹ thuật để phát triển đàn ong. Đến nay, gia đình tôi có 60 đàn ong. Trung bình mỗi năm tôi thu được 8 lứa mật, mỗi lứa đạt 60 đến 120 lít. Giá bán ra đạt 100 nghìn đồng/lít. Còn cây keo cũng chuẩn bị cho thu hoạch lứa thứ 2. Hiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng gấp lần so với năm 2010).
Có thể thấy, với sự nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, toàn cảnh bức tranh nông thôn của xã Hợp Thành đã thay đổi rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm. Xã đã cán đích nông thôn mới vào năm 2018 (sớm hơn kế hoạch 2 năm). Chia sẻ với chúng tôi về định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới, ông Lương Hải Long cho biết: Xã sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới… Đi liền với đó, xã cũng đề nghị cấp trên quan tâm tu bổ, nâng cấp các địa điểm di tích lịch sử của địa phương.