“Khoác áo mới” cho Minh Tiến

07:54, 03/05/2021

Chúng tôi đến xã Minh Tiến (Đại Từ) khi xã vừa tổ chức đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được ít hôm. Đối với người dân ở đây thì đây là sự kiện vô cùng đặc biệt, bởi nó đánh dấu một bước phát triển lớn của xã. Từ vùng quê nghèo chồng chất khó khăn, Minh Tiến nay được “khoác áo mới”, xóa bỏ cụm từ gắn liền với tên xã nhiều năm nay – xã đặc biệt khó khăn.

Vốn nằm cách xa trung tâm huyện, Minh Tiến có diện tích đồi núi chiếm đến 75%, địa hình lượn sóng bị chia cắt, độ dốc lớn, xen kẽ giữa các chân núi là những dải ruộng nhỏ hẹp; mật độ dân cư thưa, những khu dân cư tồn tại lâu đời với tính tiện canh, tiện cư, gây khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như phát triển sản xuất. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng còn thiếu, yếu về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước những khó khăn đó, xã xác định phải nỗ lực rất nhiều, từng bước chỉ đạo, điều hành, xây dựng, triển khai thực hiện các nghị quyết một cách kỹ lưỡng, tỉ mỉ, làm đâu chắc đó. Với phương châm như vậy, xã Minh Tiến đã tổ chức các hội nghị bàn bạc, tìm hướng phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch hằng năm phù hợp, sát với tình hình thực tế.

Với cách làm như vậy, những năm gần đây, xã Minh Tiến đã dần “thay da đổi thịt” trên tất cả các mặt: Đời sống xã hội, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự… Để chứng minh, đồng chí Hoàng Văn Tiệm, Bí thư Đảng ủy xã mời chúng tôi đi thăm một số xóm vùng sâu, xa nhất của xã. Thong dong trên những con đường bê tông uốn lượn ôm lấy những đồi chè xanh mát, đồng chí Bí thư Đảng ủy vui mừng: Đây là tuyến đường nối 2 xóm Tân Hợp 1 và Tân Hợp 2, vừa được mở rộng, đổ bê tông năm ngoái. Tuyến đường dài hơn 2km, nền đường rộng 5m, mặt đường bê tông 3,5m. Để làm được tuyến đường này, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, thì hơn 60 hộ dân thuộc 2 xóm đã hiến gần 4ha đất. Nhờ thế mà người dân có con đường mới để đi lại cho đỡ vất vả.

Tính từ năm 2015 đến nay, xã Minh Tiến đã xây dựng 29,5km đường bê tông, trong đó đường trục xã là 15,5km, đường ngõ xóm là 14km. Cùng với phát triển hệ thống giao thông, xã đã tập trung thu hút vốn đầu tư, thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng 4,1km kênh mương thủy lợi, nâng cấp cơ sở vật chất Trạm Y tế xã, xây mới 3 nhà lớp học 2 tầng… Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong nhiệm kỳ 2015-2020 của xã là gần 30 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Từ đó đã làm nên sự thay đổi lớn về diện mạo vùng nông thôn Minh Tiến.

Tuyến đường liên xóm Tân Tiến 1 – Tân Tiến 2 được xây dựng khang trang, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Không chỉ thay đổi về diện mạo, kết quả nổi bật trong vài năm gần đây của xã là đời sống của người dân được nâng cao, thông qua việc thực hiện có hiệu quả công tác sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong đó, xác định chè là cây trồng mũi nhọn, xã đã chỉ đạo nhân dân tận dụng các diện tích đồi thoải, vườn tạp để đưa các giống chè mới vào trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng năng suất, chất lượng chè. Hiện toàn xã có trên 200ha chè, trong đó, 180ha chè kinh doanh, diện tích chè cành giống mới chiếm khoảng 75%, năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha/năm. Xã đã thành lập được 5 tổ hợp tác sản xuất chè và Hợp tác xã chè Tân Tiến với trên 30 thành viên. Đến nay, Hợp tác xã đang có 25ha chè áp dụng quy trình VietGAP cùng 2,7ha sản xuất hữu cơ.

Bên cạnh phát triển mạnh cây chè, xã đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất quy hoạch vùng trồng lúa, rau màu, thực hiện dự án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chú trọng sản xuất lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi… Nhờ vậy, đời sống người dân đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tính đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Minh Tiến đạt gần 37 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo còn 86 hộ, giảm 455 hộ so với năm 2015.

Nói về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Văn Tiệm cho biết thêm: Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp phát triển kinh tế phù hợp. Trong đó, chú trọng định hướng cho người dân xây dựng những mô hình chăn nuôi, chuyển đổi sang các loại cây trồng đem lại hiệu quả cao để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.