Đến xã an toàn khu (ATK) Thanh Ninh (Phú Bình), chúng tôi cảm nhận diện mạo của vùng quê cách mạng này đã được khoác một tấm áo mới với đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi; trên đồng đất không chỉ có cây lúa, cây ngô mà còn có nhiều cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao…
Dạo một vòng quanh xã Thanh Ninh để cảm nhận rõ hơn những đổi thay của địa phương này, chúng tôi dừng chân ở đình làng Phao Thanh, nơi đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngôi đình làng vốn đã từng bị đổ sập trước kia nay đã được bà con trong làng cùng nhau đóng góp hàng tỷ đồng để phục dựng lại.
Ông Nguyễn Văn Hoan, thủ nhang ở đình làng cho chúng tôi xem những tài liệu về lịch sử địa phương còn được lưu giữ và kể lại: Trong thời kỳ vận động Cách mạng Tháng Tám (từ năm 1939-1945), xã Thanh Ninh cùng một số địa phương khác được Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm ATK II. Năm 1943, đồng chí Ngô Thế Sơn, Xứ ủy viên Bắc Kỳ, Trưởng Ban Cán sự Đảng ATK II đã về hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng ở xã Thanh Ninh và xã Lương Phú ngày nay. Năm 1948, đình Phao Thanh là nơi đóng quân và tổ chức Hội nghị công bố thành lập Trường Huấn luyện cán bộ dân quân Lê Bình. Trường chuyên bổ túc đào tạo cán bộ Tỉnh đội và Huyện đội, hạt nhân cho phong trào dân quân và bộ đội địa phương sau này.
Người dân xã Thanh Ninh thu hoạch ớt.
Cũng trong năm 1948, cơ quan in ấn của Khu Việt Bắc đặt kho, xưởng in xuất bản tờ báo Quân Việt Bắc và in truyền đơn, áp phích tuyên truyền, địa điểm đặt kho và xưởng tại chùa Phao Thanh ngay gần với ngôi đình. Năm 1949, chùa này còn được sử dụng làm kho tập kết thuốc men và quân dụng y tế. Trước và trong kháng chiến chống Pháp, xã Thanh Ninh còn có cơ sở, phong trào cách mạng vững mạnh, với thành tích ấy, xã đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đình, chùa Phao Thanh nay trở thành những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ đi sau.
Ông Nguyễn Văn Tạc, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh cho biết: Khoảng chục năm trước, cơ sở hạ tầng ở Thanh Ninh chưa được đầu tư nhiều, đời sống của người dân còn khó khăn, nhưng phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Thanh Ninh đã không ngừng phấn đấu đưa địa phương phát triển toàn diện. Nhất là từ khi xã triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo ở Thanh Ninh ngày càng khởi sắc, năm 2015, xã đã hoàn thành chương trình này và tiếp tục nâng cao các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Đến nay các công trình trường học, trạm y tế trên địa bàn xã đều đạt chuẩn Quốc gia, 100% các xóm có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi; 100% đường liên xã và trên 90% đường trục xóm được đổ bê tông, mở rộng với sự đối ứng kinh phí và tham gia hiến gần 30.000m2 đất của các hộ dân trong xã. toàn xã không còn nhà ở tạm, nhà dột nát; người dân được sử dụng điện an toàn; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%.
Trong phát triển kinh tế, để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, xã Thanh Ninh đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đồng thời vận động bà con tích cực tham gia hưởng ứng. Điển hình là xã đã tập chung chỉ đạo thực hiện một số vùng sản xuất tập chung với quy mô từ 5ha trở lên như: Cánh đồng kết hợp trồng rau cần với nuôi cá ở khu vực xóm Phú Thanh 2; vùng trồng cây dưa chuột, cây ớt xuất khẩu ở xóm Phú Yên... Để phát triển hiệu quả trong liên kết sản xuất, xã đã thành lập 2 hợp tác xã về chăn nuôi và may mặc; 2 tổ liên kết sản xuất nông nghiệp gồm tổ liên kết trồng ớt khu vực Đồng Trong, Phú Yên; tổ liên kết nuôi chim bồ câu.
Không chỉ chú trọng trong sản xuất nông nghiệp, xã Thanh Ninh còn triển khai hiệu quả việc phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Toàn xã hiện có trên 300 hộ kinh doanh, tăng 60 hộ so với năm 2015, đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã tăng từ 36 tỷ đồng (năm 2015) lên 65,3 tỷ đồng (năm 2020), đồng thời nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 43 triệu đồng/năm, tăng khoảng 23 triệu đồng so với năm 2015, xã Thanh Ninh phấn đấu hết năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt từ 50 triệu đồng trở lên.